Bệnh viện thiếu dụng cụ y tế, thuốc kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương dù có bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải bỏ tiền túi ra bên ngoài mua dụng cụ y tế, thuốc điều trị. Trong khi ngành y tế địa phương loay hoay tìm giải pháp thì bệnh nhân nơi đây đang phải chịu cơn đau thể xác cộng thêm gánh nặng chi phí điều trị.

Nằm điều trị tại khoa Thận, BVĐK tỉnh Bình Dương suốt mấy tháng nay, ông T.V.L (50 tuổi) cho biết, hoàn cảnh gia đình của ông khó khăn, lại mắc bệnh nặng nên tốn kém rất nhiều tiền. “Ở đây, bệnh nhân đều giống nhau, phải tự đi mua dụng cụ y tế, một số thuốc để điều trị, bất kể người có BHYT hay không”, ông L. nói và cho biết, mỗi lần chạy thận tại BVĐK tỉnh Bình Dương, người bệnh phải tự bỏ ra từ 200 đến 300 nghìn đồng để mua dụng cụ y tế.

Đối với những gia đình khá giả, vài trăm nghìn đồng không lớn, song đây lại là áp lực, gắng nặng cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh mãn tính phải điều trị thời gian dài. Đáng nói, chi phí này lẽ ra bệnh nhân được BHYT chi trả. Theo lời các bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Dương, tình trạng bệnh nhân phải tự bỏ tiền đi mua dụng cụ, thuốc điều trị đã diễn ra từ lâu, song đến nay bệnh viện vẫn chưa khắc phục được.

Bệnh viện thiếu dụng cụ y tế, thuốc kéo dài ảnh 1

Bệnh nhân điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Dương

Ông D.V.T. (42 tuổi) điều trị tại bệnh viện này cho biết, ông có tham gia bảo hiểm y tế, tuy nhiên trong quá trình điều trị, ông phải tự mua nhiều vật tư y tế. “Tôi đang điều trị bệnh suy thận, thường phải đến BVĐK tỉnh Bình Dương. Bác sĩ kê đơn xong, tôi phải tự mua găng tay y tế, dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, bơm tiêm vô trùng, băng keo và bông gòn. Mỗi lần mua dụng cụ tốn khoảng 250 nghìn đồng. Mỗi tuần 3 lần chạy thận, tốn kém nhiều tiền, người nghèo như tôi vất vả lắm”, ông T. chia sẻ.

Khi được hỏi, vì sao có BHYT nhưng vẫn chấp nhận tự đi mua dụng cụ y tế bên ngoài? Ông T. nói: “Bác sĩ nói sao thì tôi nghe vậy, có bệnh phải chấp nhận thôi. Bác sĩ điều trị họ cũng chia sẻ thật là bệnh viện đang thiếu vật tư y tế chứ không phải cố tình gây khó cho bệnh nhân”.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, việc thiếu thuốc, vật tư y tế thực tế đã xảy ra tại các BV công lập trên địa bàn. Một số đơn vị đã chủ động mua, nhưng tới giai đoạn phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán, thì nhà cung cấp không cung cấp được nên... rút. Có trường hợp đã trúng thầu nhưng một đơn vị không thể cung cấp tất cả danh mục vật tư y tế cho toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh nên cũng phải dừng lại.

“Ngành y tế mong được thông cảm, chia sẻ do có nhiều nguyên nhân, cơ chế mà anh em không dám mua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 khi có Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế rất nhiều. Hiện tại, ngành đang vận dụng quy định này từng bước, từng khâu để tổ chức đấu thầu và mua vật tư y tế cho bệnh viện sử dụng”, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín nói.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương không đưa ra thời gian cụ thể về việc hoàn thành đấu thầu bởi vì khi mở thầu, làm hết một giai đoạn dài nhưng sợ không có công ty nào tới đấu thầu. “Vừa rồi, việc thiếu thuốc y học cổ truyền cũng vậy. Trong một thời gian dài, Sở Y tế, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bình Dương và nhiều bệnh viện tuyến huyện đã làm từng bước, từng khâu tới giai đoạn tổ chức mở thầu, thế nhưng chờ 2 đợt không có công ty nào tới bán”, ông Chín nêu dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 87 cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng bảo hiểm y tế và đang gặp vướng mắc. Đối với cơ sở y tế tư nhân thì không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …