Bệnh viện Trung ương Huế 'đảo quân' tiếp tục chống dịch tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Trung ương Huế 'đảo quân' tiếp tục chống dịch tại TPHCM
TPO - Để duy trì hiệu quả và tính bền vững trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM sẽ "đảo quân" tiếp tục hỗ trợ điều trị bệnh nhân từ nay đến cuối năm. Sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế đang nâng cao hiệu quả cứu chữa cho nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Đến nay, 2 Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức rời TPHCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch. Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14 trên địa bàn quận Tân Bình sẽ tiếp tục sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TPHCM trong cuộc chiến chống COVID-19 từ nay đến cuối năm 2021.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch trong giai đoạn mới, bệnh viện sẽ giữ lại những nhân lực chủ chốt, đồng thời chuyển đổi nhân lực đã làm việc tại Trung tâm thời gian qua bằng nhân lực từ Huế vào để đảm bảo sức chiến đấu cũng như năng lượng làm việc năng động của nhân lực y tế.

Theo kế hoạch, sau thời gian trên, Trung tâm sẽ chính thức bàn giao cho Bệnh viện Nhân Dân 115 trực tiếp quản lý và vận hành. Đến cuối năm 2021, tất cả các bệnh viện và nhân sự hỗ trợ chống dịch cho TPHCM sẽ rút toàn bộ, ngành y tế Thành phố sẽ tự lực cánh sinh trong công tác dự phòng, điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng và các bệnh lý thông thường nói chung.

Bệnh viện Trung ương Huế 'đảo quân' tiếp tục chống dịch tại TPHCM ảnh 1

Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong chuyến kiểm tra công tác điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế

Thông tin từ GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, theo điều động của Bộ Y tế, Bệnh viện đã khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức COVID-19 với quy mô 500 giường ở tầng 3. Trung tâm đã được sự hỗ trợ rất nhiều về trang thiết bị hiện đại từ Bộ Y tế như máy lọc máu liên tục, máy thở, máy ECMO… Trung tâm đã sử dụng các trang thiết bị này vào điều trị bệnh nhân từ rất sớm, giúp mang lại hiệu quả trong điều trị, cứu sống bệnh nhân.

Tính đến ngày 17/10, Trung tâm đã tiếp nhận, điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân thuộc nhóm bệnh nặng và nguy kịch. “Nhóm bệnh nhân được chuyển đến có khoảng hơn 90% là bệnh nhân nặng, rất nặng, có bệnh nền, cao tuổi… phải thở máy, lọc máu liên tục. Rất nhiều bệnh nhân được cứu sống giữa lằn ranh sinh tử. Mô hình này thể hiện rõ sự ưu việt trong tổ chức hệ thống, bộ máy phòng chống dịch tại TPHCM, có thể áp dụng cho địa phương khác” – GS Như Hiệp nói.

Ông cho biết thêm, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã trải qua các đợt dịch thứ nhất điều trị bệnh nhân COVID-19 của Thừa Thiên- Huế và khu vực miền Trung, đợt thứ 2 điều trị bệnh nhân của Đà Nẵng, đợt dịch thứ 3 tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đợt dịch thứ 4 đang diễn ra ở TPHCM.

Khi thiết lập Trung tâm ICU tại TPHCM, bệnh viện đã điều động chuyên gia hồi sức giỏi, các chuyên gia về phòng chống nhiễm khuẩn và những bác sĩ có kinh nghiệm điều trị trên nhiều lĩnh vực đi tham gia 3 đợt dịch trước đó vào TPHCM cùng phòng chống dịch nên tính hiệu quả trong điều trị người bệnh ở mức rất cao.

Bệnh viện Trung ương Huế 'đảo quân' tiếp tục chống dịch tại TPHCM ảnh 2
Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ TPHCM chống dịch từ nay đến cuối năm 2021

Để tăng cường chuyên môn trong cứu chữa người bệnh, hiện nay 3 Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Trung ương Huế đang chủ động, phối hợp chuyên môn. Các bên đã lên kế hoạch san sẻ nguồn lực, đặc biệt trong việc xét nghiệm chuyên sâu đồng thời thiết lập nhóm hội chẩn giữa các chuyên gia của 3 bệnh viện đối với những bệnh nhân nặng để phối hợp phương án điều trị nhanh nhất, tốt nhất, cáng đáng công tác điều trị ở tầng 3 cho toàn Thành phố trong giai đoạn tới.

MỚI - NÓNG