Bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân có thể gây hậu quả khôn lường cho đất nước

TPO - Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, nếu cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” thì sẽ đề ra những chính sách méo mó, biến dạng, gây nên hậu quả khôn lường cho đất nước.
Bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân có thể gây hậu quả khôn lường cho đất nước ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội thảo

Tuyên ngôn của công tác xây dựng Đảng về đạo đức

Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sáng 12/5, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền, thực hiện sứ mệnh giai cấp và dân tộc.

“Hồn cốt trong mỗi tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước cách mạng đều toát lên tinh thần đạo đức “là “gốc”, trong đó tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được xem như một tuyên ngôn của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, thể hiện cả tầm vóc tư tưởng và giá trị chỉ dẫn thực hành đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân có thể gây hậu quả khôn lường cho đất nước ảnh 2

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm triển lãm sách

Ông Thưởng cho biết, trong giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường coi trọng xây dựng những tấm gương người thực, việc thực trong lịch sử cách mạng, trong đời sống hằng ngày. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, không “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, như: ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ; mất đoàn kết, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

“Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng” nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”, trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ. Cám dỗ sẽ “làm cho con người ta xuống dốc không phanh”. “Vắc-xin” tăng sức đề kháng trước cám dỗ là phải dùng lý trí chế ước cảm xúc, dùng lương tri phân định lằn ranh giữa cái được làm và cái không được làm”, Thường trực Ban Bí thư gợi mở.

Tự phê bình và phê bình phải như “rửa mặt hàng ngày”

Từ kết quả hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, phải thấy rõ tác hại khôn lường của chủ nghĩa cá nhân, nhất là đối với các cơ quan Trung ương, nơi giữ vai trò quan trọng trong tham mưu chiến lược, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân có thể gây hậu quả khôn lường cho đất nước ảnh 3

Các đại biểu chủ trì Hội thảo khoa học

Theo ông Võ Văn Thưởng, nếu mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, sẽ tham mưu nên những chính sách công bằng, không thiên vị; nếu bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” thì sẽ đề ra những chính sách méo mó, biến dạng, thậm chí hướng lái, gây nên hậu quả khôn lường cho đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, gắn với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên. Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XIII vừa kết thúc, thông qua Nghị quyết về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, trong đó đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với đổi mới sinh hoạt chi bộ được xác định là một giải pháp quan trọng. Cần nhận thức đầy đủ tự phê bình và phê bình phải như “rửa mặt hàng ngày”, là cách giúp mỗi đảng viên tự kiểm soát bản thân mình bằng trách nhiệm đạo đức.

Trước những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn biến phức tạp, Thường trực Ban Bí thư đề nghị tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.

Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra, tự giám sát gắn với nâng cao trách nhiệm ủy ban kiểm tra các cấp.

“Phải khắc phục tình trạng người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị chỉ lo công việc chuyên môn, “khoán trắng” công tác đảng cho một vài cán bộ, cho cấp phó, không nắm vững nguyên tắc, quy định, quy chế đến khi sai phạm, vấp ngã thì đã muộn”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG