Năm vừa qua, Nguyễn Thị Nguyệt đã xuất sắc trở thành thủ khoa khối D01 của ngành Sư phạm Tiếng Anh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Theo Nguyệt, kết quả thi tốt không phải chỉ nhờ cô may mắn. Với ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh, Nguyệt “sợ” nhất là môn Văn, đặc biệt với phần lý luận văn học. Tiếp theo, phần đọc hiểu, 'collocation' là phần khó nhằn nhất trong môn Tiếng Anh. Còn môn Toán, Nguyệt thường gặp khó khăn ở những bài về hình học. Dù vậy, những khó khăn đó cũng không hề làm cô nản chí.
Nguyễn Thị Nguyệt đã xuất sắc trở thành thủ khoa khối D01 của ngành Sư phạm Tiếng Anh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Từ những kinh nghiệm ôn luyện, thi cử, Nguyệt gửi lời khuyên tới các sĩ tử khóa sau: “Đừng để kết quả thi thử làm nhụt chí. Các bạn hãy xem những cuộc thi thử là một cơ hội để được trải nghiệm tâm lý phòng thi, cách bố trí thời gian làm bài thi. Mỗi lần thi thử, mình sẽ cải thiện được một mặt gì đó chưa tốt ở bản thân”.
Nguyệt cũng từng phải thi thử rất nhiều lần ở trường để dần tự tin hơn khi vào phòng thi, bởi bản thân thường bị run, hoảng... Lúc làm bài xong, Nguyệt thường kiểm tra lại thông tin một cách kỹ càng. Cô dành 5 phút cuối giờ để kiểm tra những chỗ như số báo danh, số tờ giấy thi, phiếu trắc nghiệm có bị khoanh lệch hay thiếu câu nào không. Sau đây là 'bí kíp' từng môn thi khối D01 của Nguyệt.
Môn Tiếng Anh
Quan trọng nhất là nắm chắc ngữ pháp, học từ vựng hằng ngày. Ghi từ mới vào một cuốn sổ và mang theo bên mình để mỗi khi rảnh có thể lấy ra xem. Tuyệt đối tránh tình trạng ghi rất nhiều từ mới chỉ... để đấy và không ôn lại.
Vào giai đoạn nước rút, cố gắng mỗi ngày giải một đề, sau đó thấy bản thân chưa chắc phần nào sẽ ôn lại phần đấy. Sau mỗi lần giải đề, ghi ra những từ mới và học lại, 'higlight' vào những chỗ sai, tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục. Nếu sai ngữ pháp thì học lại phần ngữ pháp, nếu sai do không hiểu nghĩa của từ thì cần bổ sung vốn từ vựng hằng ngày.
Môn Toán
Nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là điều đầu tiên và quan trọng nhất với môn Toán. Sau khi đã học hết các kiến thức cơ bản thì chuyển sang luyện đề. Nguyệt luôn có cho mình một quyển sổ thật dày: lúc làm bài tập toán, bài nào sai sẽ được Nguyệt ghi đề vào quyển sổ ấy để giải lại (một bên viết thêm chú thích mình hay sai chỗ nào). Nếu có bài nào giải mãi vẫn không hiểu thì có thể hỏi các bạn giỏi hơn mình, hỏi thầy cô và đừng ngần ngại vì họ sẽ rất sẵn lòng giúp đỡ. Hoặc giảng lại bài cho người khác cũng là cách giúp bản thân hiểu rõ bản chất và nhớ bài toán đó lâu hơn.
Tuyệt đối không sai các câu dễ, sẽ dẫn đến kết quả chung không cao. Làm câu nào phải chắc câu đó. Ngoài ra, Nguyệt còn thường xuyên xem "livestream" của các thầy cô giáo dạy toán, tham gia các bài thi do thầy cô tổ chức. Đây cũng là một tip giúp Nguyệt củng cố kiến thức, học thêm được nhiều dạng mới và cơ hội để cọ xát với các bạn học sinh trên cả nước.
Môn Văn
Vì là môn sợ nhất nên Nguyệt dành nhiều thời gian cho môn học này nhất. Để làm tốt phần nghị luận xã hội, theo Nguyệt cách tốt nhất là luyện đề, đọc báo, xem tin tức để lấy dẫn chứng. Phần nghị luận xã hội không cần dài dòng mà chỉ cần ngắn gọn, đi đúng trọng tâm. Về phần nghị luận văn học thì nên học theo sơ đồ tư duy. Trước khi học một bài văn, Nguyệt sẽ học luận điểm trước để khi vào thi đề bài ra đoạn nào thì sẽ biết được ngay luận điểm chính là gì và triển khai.
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng nên Nguyện luôn chú trọng phần mở bài để gây ấn tượng với người chấm. Lưu ý, phần mở bài hãy nêu đủ thông tin về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận. Bên cạnh đó, để đạt điểm cao thì cần có thêm lý luận văn học, học các lời bình và linh hoạt lồng ghép vào bài để được thêm điểm hoặc có thể so sánh với những tác phẩm cùng đề tài.