Biên kịch tiết lộ nhân vật ‘gây khó dễ’ nhất trong phim ’11 tháng 5 ngày'

0:00 / 0:00
0:00
Biên kịch tiết lộ nhân vật ‘gây khó dễ’ nhất trong phim ’11 tháng 5 ngày'
TPO - Bộ phim “11 tháng 5 ngày” mới lên sóng đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả khi hướng đến nội dung về tuổi trẻ, về những đứa trẻ đang học cách lớn lên. Biên kịch Lại Phương Thảo đã có những chia sẻ thú vị xung quanh bộ phim này.

Phương Thảo có thể nói thêm một chút về cái tên “11 tháng 5 ngày”?

Đây là tên phim được chọn để thay thế cho cái tên ban đầu là “Điều em chưa biết”. Bộ phim này được tôi và đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh cùng suy nghĩ, bồi đắp từ những ngày đầu. Khi anh Lê Đỗ Ngọc Linh và anh Nguyễn Đức Hiếu đồng đạo diễn, kịch bản đã được xây dựng sắc nét hơn.

Chúng tôi đều là những người trẻ, nên có chung tư duy sáng tạo cũng như nhiệt huyết muốn làm bộ phim về thanh xuân. Cùng sự tư vấn về nội dung của phó giám đốc – đạo diễn Khải Anh, đạo diễn Bùi Tiến Huy… chúng tôi đã dần dà xây dựng được hồn cốt của “11 tháng 5 ngày” đầy sức sống.

Biên kịch tiết lộ nhân vật ‘gây khó dễ’ nhất trong phim ’11 tháng 5 ngày' ảnh 1

Bộ phim "11 tháng 5 ngày" thu hút người xem khi hướng đến cuộc sống của những người trẻ.

“11 tháng 5 ngày” là khoảng thời gian, là hành trình của Tuệ Nhi cùng những người bạn trong xóm trọ, già có, trẻ có, tự vật lộn với những “non nớt” của chính mình bất kể tuổi tác. Cuối cùng Nhi cùng những người bạn nhận ra rằng tuổi tác không đảm bảo độ trưởng thành mà trưởng thành là khi ta sống vì người khác. “11 tháng 5 ngày” rất khác so với “Điều em chưa biết” trước đây, nhưng đó là những sự khác biệt tích cực, tươi mới, tôi rất mong đợi sự đón nhận của khán giả.

Thông điệp mà bộ phim và ê-kip muốn gửi đến khán giả là gì?

Bộ phim “11 tháng 5 ngày” có thông điệp giản dị, gần gũi về tuổi trẻ: mỗi người chỉ có một thanh xuân thôi. Cuộc đời đáng sống nhất là cuộc sống mà ở đó, ta hãy là chính mình, với tất cả những gì đẹp đẽ nhất, xấu xí nhất, điên rồ nhất chứ không phải sống giống như người khác, sống theo kì vọng của bất kì ai. Nhưng, mỗi người cũng chỉ có một gia đình thôi, đó là nơi ta yêu thương, trân trọng và bảo vệ.

Tôi mong khán giả sẽ nhìn thấy mình ở trong đó, với những rắc rối khi còn thanh xuân; những hoài bão đôi khi thực hiện được, đôi khi đã bỏ lỡ; với những sai lầm, mâu thuẫn của thế hệ đối với cha mẹ mình, ông bà mình. Qua đó các bạn trẻ sẽ tự tìm thấy chính mình và tìm ra những bài học trong cuộc sống.

Biên kịch tiết lộ nhân vật ‘gây khó dễ’ nhất trong phim ’11 tháng 5 ngày' ảnh 2

Biên kịch Lại Phương Thảo.

Bạn có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm phim?

Có lẽ đáng nhớ nhất là việc đặt tên phim. Đoàn phim đã gần như “vắt óc” ra để tìm cái tên phù hợp. Thế rồi cái tên quyết định đã tới: “11 tháng 5 ngày”, một cái tên khơi gợi nhiều kỉ niệm của phim mà tôi rất thích.

Trong bộ phim này, nhân vật mạnh mẽ, quyết liệt, va đập nhất chính là Tuệ Nhi. Nhưng nhân vật gây khó dễ cho biên kịch nhất trong quá trình sáng tạo chính là Hải Đăng. Nhất là ở chặng cuối của bộ phim, chính tính cách của Đăng là thứ khiến cuộc đời anh chàng gặp nhiều biến cố. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng, đây chính là “gậy ông đập lưng ông trong truyền thuyết”.

“11 tháng 5 ngày” được làm theo phong cách vừa quay vừa phát sóng, vậy Thảo có phải theo sát diễn viên để phát triển nhân vật theo khả năng diễn xuất của mỗi người?

Sau khi đạo diễn quyết định lựa chọn Khả Ngân và Thanh Sơn vào hai vai chính trong bộ phim này, chúng tôi cũng đã tham gia buổi thử vai, gặp gỡ, trò chuyện để qua đó điều chỉnh nhân vật sắc nét, sao cho hợp với diễn viên nhất.

Trong phim, Khả Ngân giống tới 99,9% Tuệ Nhi mà biên kịch hình dung. Riêng Thanh Sơn lại gây ấn tượng với chúng tôi, bởi Sơn đã thổi hồn vào nhân vật theo sáng tạo riêng của bạn, đem tới cho Đăng vừa có nét trưởng thành, vừa có nét trẻ con, khá thú vị. Tôi phải cảm ơn các đạo diễn vì dàn diễn viên tuyệt vời này.

Biên kịch tiết lộ nhân vật ‘gây khó dễ’ nhất trong phim ’11 tháng 5 ngày' ảnh 3

Ê-kip mong muốn mỗi khán giả sẽ nhìn thấy chính thanh xuân của mình trong bộ phim.

Công việc của một biên kịch phim truyền hình có vẻ khá thú vị nhỉ?

Tôi đã trở thành biên tập của VFC được 7 năm. Đó là quãng thời gian không dài, nhưng đối với tôi, nó vô cùng ý nghĩa. Bộ kịch bản đầu tay tôi là phim “Ghét thì yêu thôi”, tôi làm cùng với biên kịch Huyền Lê và đạo diễn Trịnh Lê Phong. Tôi đã học được rất nhiều điều trong bộ phim đó.

Bạn biết không, sẽ cực kì thú vị khi bạn được sống và làm việc trong một tập thể mạnh, nhiều người tài, một guồng máy chuyên nghiệp, một “vũ trụ phim truyền hình”. Bởi đó chính là môi trường trui rèn bạn với những áp lực, những thành công… buộc bạn phải nỗ lực, không được bằng lòng với bản thân, phải tốt và tốt hơn thế nữa.

Khi bắt tay vào một bộ phim, điều mà bạn hướng tới là gì?

Nghề biên kịch phim truyền hình thực ra là một công việc áp lực và thầm lặng, nhưng đó lại là nơi chúng tôi luôn được cất lên tiếng nói của mình qua từng câu thoại, từng nhân vật, từng bộ phim, từng thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm, mà những người lắng nghe là khán giả. Đó là một công việc rất ý nghĩa, mang tính hàn gắn, kết nối, đem tới những giá trị vô hình, nhưng cũng rất hữu hình về tình yêu, tình người, những điều tốt đẹp trong xã hội. Quan điểm làm nghề của tôi đơn giản lắm. Là một biên tập trẻ, tôi luôn hướng tới những điều “bé bé, xinh xinh”, muốn lan toả năng lượng tích cực cho những khán giả theo dõi phim của mình.

Cảm ơn biên kịch Lại Phương Thảo!

MỚI - NÓNG