Biện pháp giảm tỷ lệ học sinh yếu kém môn Vật lý

Biện pháp giảm tỷ lệ học sinh yếu kém môn Vật lý
Thầy giáo Mai Văn Hóa - Trường THPT Đinh Chương Dương (Thanh Hóa) chia sẻ kinh nghiệm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém môn Vật lý ở trường THPT.

Phân loại học sinh yếu kém

Thầy Hóa cho rằng, có 3 căn cứu để phân loại học sinh yêu kém môn Vật lý. Đó là: Điểm bộ môn trong năm học, có thể tham khảo thêm điểm một số môn học có liên quan hoặc gần gũi cùng khối như Toán, Hóa; điểm khảo sát chất lượng học sinh đầu năm và những biểu hiện và quá trình học tập trên lớp.

Căn cứ vào những khía cạnh trên, thầy Hóa chia học sinh yếu kém môn Vật lý thành 4 nhóm:

Học sinh mất căn bản kiến thức chung, không có hoặc có khả năng tiếp thu bài rất thấp.

Có ý thức học tập, có khả năng tiếp thu bài nhưng chậm so với học sinh bình thường.

Có kiến thức cơ bản, có ý thức học tập nhưng chưa có phương pháp học tập đúng đắn

Học sinh không quan tâm, lơ là việc học, học sinh lười học.

Các giải pháp

Sau khi phân loại học sinh, các biện pháp được thầy Mai Văn Hóa thực hiện là: Giáo dục ý thức học tập, hình thành lòng ham thích và say mê môn học cho học sinh; xây dựng môi trường học tập thân thiện trong từng tiết dạy; phân hóa đối tượng học tập trong từng hoạt động; tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng bài giảng, từng đơn vị kiến thức cho từng nhóm đối tượng học sinh; giao nhiệm vụ về nhà; đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường

Ngoài các biện pháp chung ở trên, thầy Mai Văn Hóa tiến hành các phương pháp riêng với từng đối tượng học sinh như sau:

Đối với nhóm học sinh mất căn bản kiến thức

Khi triển khai bài mới, xác định rõ kiến thức trọng tâm, kiến thức nền trong tiết dạy cần cung cấp, truyền đạt cho học sinh. Và sau một phần, chốt ngắn gọn các kiến thức này vào một góc bảng. Với học sinh yếu kém, nêncoi trọng tính vững chắc của kiến thức và kỹ năng hơn là chạy theo mục tiêu đề cao mở rộng kiến thức.

Khi hướng dẫn học sinh luyện tập, với học sinh yếu chỉ nên yêu cầu các em làm các dạng toán thật cơ bản, tính toán đơn giản, dựa vào tính chất, các công thức đơn giản nhất, không nên đưa ra các dạng bài phức tạp cần sử dụng các phương pháp giải nhanh, liên quan đến các định luật, các thuyết vật lý…

Sau đó, hướng dẫn giải mẫu, nên đặt câu hỏi gợi mở dần để học sinh xác định được hướng giải và đặc biệt hệ thống câu hỏi phải nhằm vào những yếu kém của nhóm này ở trên đã trình bày…

Đến bài tập tương tự, cho học sinh một khoảng thời gian để tự tìm hướng giải, giáo viên đi quan sát, khi thấy học sinh đi lệch hướng cần phân tích kĩ cho học sinh thấy sai chỗ nào.

Khi hướng dẫn, chú trọng những “mốc giải chính” của bài như tóm tắt đúng chưa? Áp dụng đúng công thức chưa?

Sau khi thấy các em cơ bản làm được bài, giáo viên lên bảng yêu cầu học sinh đứng tại chỗ trình bày, mỗi bước giải là một học sinh đễ tập trung cả nhóm. Trong quá trình giải, giáo viên nhấn mạnh những chỗ học sinh hay sai lầm, nên tránh.

Nhớ khen ngợi cá nhân và nhóm học sinh làm được bài, đồng thời phải cho điểm cao để khích lệ. Các em làm sai không nên che bai trước lớp mà cần tìm những cái nhỏ nhất các em làm được để khen, hoặc khen về mặt tự giác học tập của học sinh.

Nhóm có ý thức học tập, có khả năng tiếp thu bài nhưng chậm

Giáo viên chia nhỏ nhóm học sinh này, các nhóm được chia càng nhỏ càng tốt, phân công các học sinh khá về học cùng nhóm để giúp đỡ các học sinh yếu.

Ban đầu, cho học sinh tự chọn nhóm theo mong muốn cá nhân, sau một thời gian nếu chưa hợp lý thì điều chỉnh. Ghi lại danh sách các nhóm, theo dõi sát trong quá trình học cũng như sau mỗi bài kiểm tra, nếu nhóm nào tiến bộ cần tuyên dương và cộng điểm thưởng nhóm trưởng.

Giáo viên chú ý phân tích cho học sinh những kiến thức thường sai, việc phân tích này thường xuyên thực hiện kết hợp trong các tiết học bài mới cũng như các tiết luyện tập để giúp các em lấp lỗ hổng, chỗ yếu thường xuyên hơn.

Học sinh yếu kém khả năng tiếp thu và nắm bắt kiến thức chậm nên giáo viên cần giảm tải quá trình nhận thức của học sinh bằng cách giản lược hóa nội dung bài học, rút gọn lại dưới dạng trọng tâm, truyền tải súc tích dưới dạng hình ảnh trực quan, dễ hiểu dễ quan sát.

Đối với bài tập, giáo viên cố gắng đưa ra các bước càng cụ thể, rõ ràng càng tốt.

Nhóm có kiến thức cơ bản, có ý thức học tập nhưng chưa có phương pháp học tập đúng đắn

Giáo viên tổ chức kèm cặp, phụ đạo thêm cho học sinh. Việc phụ đạo này có thể thực hiện theo kế hoạch chung của nhà trường hoặc giáo viên tự tổ chức với thời lượng 2 tuần 1 buổi.

Trong các buổi này, chủ yếu kiểm tra việc lĩnh hội các kiến thức giảng dạy trên lớp, nếu thấy các em chưa chắc, hiểu sai lệch kiến thức, sai lệch hiện tượng Vật lý, tiến hành ôn tập củng cố kiến thức để các em nắm vững chắc hơn.

Đồng thời, nói chuyện để tìm hiểu thêm những kiến thức các em chưa hiểu hoặc chưa nắm chắc để bổ sung, củng cố. Hướng dẫn phương pháp học tập: Học bài, làm bài, việc tự học ở nhà.

Qua việc giải bài tập, qua các bài tập giao về nhà, tập dần cho các em phân tích, tính chất, hiện tượng vật lý của kiến thức, của bài tập để giúp các em hình thành kỹ năng này và từ đó sẽ đưa ra được cách giải bài toán dễ dàng hơn.

Thông qua giáo viên chủ nhiệm thông báo với gia đình học sinh về việc tổ chức học phụ đạo, phối hợp với gia đình tạo điều kiện cho các em học tập, đôn đốc thực hiện kế hoạch học tập ở trường và ở nhà.

Nhóm học sinh không quan tâm, lơ là việc học, học sinh lười học

Làm thay đổi nhận thực về tầm quan trọng của việc học của các em, thay đổi sự bi quan chán nản trong tâm của các em khi phải đối mặt với hoàn cảnh gia đinh…

Giáo viên vừa phân tích động viên cho các em sự cấn thiết của việc học, nêu ra các trường hợp thật cụ thể của học sinh các năm trước vì không chú tâm học nên không thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông, sau khi thi trượt hối hận thì không kịp.

Nêu lên những tấm gương các bạn học sinh vượt lên trên hoàn cảnh để đạt được kết quả cao trong học tập... Muốn làm tốt giải pháp này giáo viên bộ môn phải kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để tìm hiểu học sinh.

Giúp các em tránh xa các trò chơi vô bổ, tránh xa các bạn bè hư hỏng; phân tích sự tác hại của các trò chơi đến tinh thần, đến sức khỏe và đến học tập của các em. 

Giao cho các học sinh này đi sưu tầm các đồ dùng dạy học như: máy biến áp nhỏ cũ, các điện mảng điện tử cũ, các loại pin...; Giao cho các em vẽ các đồ dùng dạy học hoặc làm các đồ dùng dạy học tự làm...Sau đó thu lại rồi đem ra hội thảo đánh giá trước lớp, có tuyên dương khen thưởng và cho điểm.

Bên cạnh đó phải tăng cường kiểm tra bài đầu giờ, cuối giờ; kiểm tra việc ghi chép bài và làm bài tập ở nhà. Chú trọng kiểm tra bài cũ các em yếu kém. Đối với những học sinh tiến bộ có học bài, làm bài, giáo viên động viên, khuyến, khen ngợi trước lớp.

Giáo viên nghiêm túc phê bình những em chưa tiến bộ, cho thời hạn, sau thời hạn đó kiểm tra bài để học sinh có thể sữa chữa những điểm xấu, từ đó tạo động lực học và thấy bản thân có khả năng học nên sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới.

Kết hợp với các giáo viên bộ môn khác, giáo viên chủ nhiệm, các bộ lớp để thường xuyên kiểm tra, đôn đóc, nhắc nhở và theo dõi sự tiến bộ của các em học sinh này để kịp thời động viên kịp thời. Đồng thời phải phối hợp với gia đình để tăng hiệu quả của các biện pháp giáo dục.

Theo Giáo dục và Thời đại
MỚI - NÓNG