Biến vùng đất hoang cằn, sỏi đá thành cánh đồng thu nhập trăm triệu

0:00 / 0:00
0:00
Trưởng thôn Lý Văn Sài (thứ 2, trái qua) kể về làng thanh niên lập nghiệp
Trưởng thôn Lý Văn Sài (thứ 2, trái qua) kể về làng thanh niên lập nghiệp
TP - Vượt qua khó khăn, cần cù lao động, nhiều người dành cả tuổi thanh xuân biến vùng đất hoang cằn, sỏi đá thành cánh đồng bát ngát thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) là một dự án do Trung ương Đoàn triển khai thực hiện giai đoạn 2006 -2009 với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng. Để tạo điều kiện bước đầu về cơ sở hạ tầng, dự án xây dựng 14km đường giao thông, 17 km đường điện trung và hạ áp, 3 trạm biến áp, 70 giếng khoan, nhà văn hóa, trường mẫu giáo, trạm xá…Năm 2010, khi dự án hoàn thành, Trung ương Đoàn bàn giao lại cho Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tiếp quản và thu hút thanh niên đến lập nghiệp.

Câu chuyện về làng thú vị hơn qua lời kể của trưởng thôn Lý Văn Sài, trong vô vàn mảnh ghép không đầu không cuối là tấm lòng hồn hậu, chân tình của 9 dân tộc anh em sinh sống nơi đây. Từ vùng đất hoang vu, lau sậy khô cằn thành cánh đồng mía, mì, lúa xanh mướt đem lại ấm no cho hàng trăm người dân.

Năm 1975, gia đình ông Sài di cư vào xã Cư Bông, huyện Ea Kar, đất đai sản xuất ít nên cuộc sống khó khăn. Khi có dự án làng TNLN Ia Lốp, ông là người xung phong đi đầu tiên.

Thời kỳ khó khăn trôi qua, đất không phụ công người đã đền đáp bằng những vụ mùa bội thu. Như gia đình ông một năm sau khi trừ chi phí vẫn lãi 50 triệu đồng. Hiện nay, nhiều gia đình làm kinh tế khá, trồng mía, trồng mì thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm không hiếm.

Lúc đầu làng chỉ từ 4 hộ, 8 hộ, 12 hộ… và bây giờ là 153 hộ dân. Cuộc sống của những gia đình thanh niên tại đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất quy mô lớn, vươn lên làm giàu.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quý đến làng TNLN Ia Lốp xây dựng kinh tế từ năm 2010 chia sẻ, cuộc sống quê cũ (ở huyện Ea Kar) khó khăn do không có đất sản xuất, vợ chồng anh viết đơn xung phong vào đây bắt đầu cuộc sống mới. Được Tỉnh Đoàn hỗ trợ, chính quyền địa phương và anh em trong làng giúp đỡ, vợ chồng chăm chỉ sản xuất. Bây giờ, gia đình anh đã có một cửa hàng tạp hóa, mua thêm đất sản xuất và máy cày, hiện có 3 ha đất trồng mía, mỗi năm tổng thu cũng được vài trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Diện cũng là một điển hình của làng TNLN. Anh Diện chia sẻ: “Năm đầu lên đây, tôi đi làm thuê rồi trồng thêm lúa, thu được 100 bao. Sau đó, trồng thêm hoa màu và nuôi 4 con bò. Năm 2017, được sự vận động của Tỉnh Đoàn và chính quyền địa phương, tôi thuê 6 ha trồng mía, liên kết với công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk để được đầu tư giống, phân bón… Cuối năm, vườn mía cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Những năm tiếp, tôi thuê đất mở rộng diện tích trồng mía và mì. Trong 3 năm (2017-2020) thu hoạch các loại cây trồng và đàn bò 70 con, sau khi trừ hết chi phí tôi lãi 1 tỷ đồng. Hiện nay, tôi đang trồng thêm 3ha lá gai”.

Từ năm 2017 đến nay, mỗi dịp gần tết gia đình anh Diện lại phát gạo miễn phí cho người dân trong làng (20 bao/năm). Ngoài ra, anh Diện còn trích 60 triệu đồng từ số tiền anh bán nông sản nâng cấp đường trong làng ra xã...

Gắn bó từ ngày đầu đến nay với dự án làng TNLN Ia Lốp, anh Hoàng Quốc Bảo – Phó chánh Văn phòng Tỉnh Đoàn cho biết, làng TNLN đã đạt được khoảng 90% mục tiêu đề ra. An ninh trật tự trong làng được giữ vững, người dân luôn nêu cao ý thức và trách nhiệm xã hội, các gia đình thanh niên đoàn kết gắn bó xây dựng kinh tế.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.