Biệt thự sân golf: Rầm rộ rao bán và những rủi ro về pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù chưa có quy định cụ thể cho phép mua - bán biệt thự trong sân golf nhưng gần đây nhiều dự án vẫn rầm rộ rao bán sản phẩm bất động sản (BĐS) này. Trong khi chuyên gia cảnh báo người mua loại hình này sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro vì bỏ tiền tỷ ra vẫn không được sở hữu tài sản như nhà ở thông thường.

Rầm rộ rao bán biệt thự sân golf

Tại Hà Nội, thông tin rao bán các căn biệt thự sân golf của dự án "Wyndham Sky Lake Resort & Villas tọa lạc" tại huyện Chương Mỹ xuất hiện rầm rộ từ hồi đầu tháng 10 đến nay. Theo một số sàn môi giới của dự án, giá các căn biệt thự sân golf tại đây dao động từ 9 – 15 tỷ đồng, tùy diện tích, có thể bao gồm cả nội thất hoặc chưa.

“Đối với vấn đề pháp lý, dự án có thời hạn 50 năm nhưng có thể gia hạn thêm cho khách hàng 30 năm nữa. Về giấy tờ chứng minh, dự án đã có quyết định xây dựng và quyết định quy hoạch 1/500, còn những điều khoản chi tiết đằng sau chủ đầu tư sẽ không công khai ra ngoài, nếu khách hàng thiện chí thì có thể đến xem trực tiếp", môi giới này khẳng định.

Biệt thự sân golf: Rầm rộ rao bán và những rủi ro về pháp lý ảnh 1

Thông tin rao bán biệt thự sân golf dự án "Wyndham Sky Lake Resort & Villas ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và website môi giới nhà đất, BĐS.

Môi giới này cho biết thêm hiện tại CĐT đã có "sổ tổng" và đang trình cơ quan chức năng để được kí hợp đồng mua – bán. "Nếu bây giờ khách hàng mua sẽ là kí quyền sở hữu biệt thự", môi giới nói.

Hiện trên thị trường xuất hiện tượng một số dự án biệt thự sân golf dù đang thi công nhưng đã có cả loạt website để booking, đặt chỗ, trong khi môi giới thì rao bán rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như dự án quy mô hơn 140ha tại Vĩnh Phúc.

“Dự án chưa xây dựng phần biệt thự và phải hơn 2 năm sau mới có hàng. Nhưng khách không đặt trước sẽ không còn suất mua. Giá dao động trong khoảng 9 - 15 tỷ đồng/căn tùy theo vị trí, đặt cọc thiện chí từ 50 triệu đồng. Còn giấy tờ pháp lý đặt cọc với bên CĐT thì hiện chưa có vì CĐT chưa ra thông tin chính thức... Tuy nhiên lúc đó sẽ là cọc "chết" và đồng nghĩa với việc này là sẽ có rất nhiều người vào cùng lúc, sẽ rất khó để giữ căn đẹp”, môi giới nói.

Hay tại Đức Hòa (Long An), nhiều ngày gần đây thông tin rao bán biệt thự trong lòng sân golf xuất hiện ồ ạt với mức giá từ 3 – 3,8 tỷ đồng/căn với diện tích từ 84 – 200m2. Môi giới khẳng định đây là khu biệt thự nghỉ dưỡng sân golf đầu tiên và duy nhất tại khu vực đạt chuẩn quốc tế có quy mô 200ha, với 125 ha là quỹ đất xây dựng sân golf, còn lại 75 ha là quỹ đất sử dụng cho biệt thự, tiện ích phục vụ dự án (chiếm 37,5% tổng diện tích).

Biệt thự sân golf: Rầm rộ rao bán và những rủi ro về pháp lý ảnh 2
Một mẫu tin rao bán biệt thự sân golf ở Đức Hòa (Long An) trên website môi giới BĐS.

"Dự án đã có quyết định 1/500, sổ tổng dự án, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng, sổ hồng riêng, sở hữu vĩnh viễn. Nếu quyết định mua, khách hàng chỉ cần thanh toán 20% giá trị biệt thự, còn lại thanh toán 26 kỳ không lãi suất và ngân hàng hỗ trợ vay 50% không lãi suất", môi giới này mời chào.

Chiêu "núp bóng" dự án sân golf để kinh doanh BĐS

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng phát triển các sân golf là việc cần làm để kích cầu du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều chủ đầu tư sân golf lạm dụng xin dự án để lách luật kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng. Nguồn thu từ BĐS “ăn theo” sân golf thực chất là nguồn lợi chính của nhà đầu tư.

Cũng theo GS Võ, hầu hết các dự án sân golf và BĐS nghỉ dưỡng hiện nay, xét về quy hoạch đều không hình thành nên đơn vị ở hay đơn vị dân cư, nghĩa là đơn thuần chỉ thuộc quy hoạch du lịch. Do đó các dự án BĐS cùng sân golf không có thời hạn sử dụng lâu dài. Các CĐT thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê. Vì thế người mua các sản phẩm BĐS này không sở hữu tài sản như đối với nhà ở thông thường được.

Biệt thự sân golf: Rầm rộ rao bán và những rủi ro về pháp lý ảnh 3

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc phát triển dự án sân golf ồ ạt mang tính thời điểm sẽ làm mất đi một diện tích đất canh tác lớn, làm biến đổi địa hình và nguồn nước ngầm tại địa phương. Bên cạnh đó là khả năng nhiều chủ đầu tư lợi dụng biến sân golf thành “điểm nhấn” đi kèm cho các dự án BĐS.

Đối với việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf, theo quy định tại quyết định 1946 (năm 2009) của Thủ tướng thì chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Ngoài ra, tỉ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê tối đa không quá 10% trên tổng diện tích đất sân golf.

Nhưng theo GS Võ, hiện nhiều chủ đầu tư lại thường sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ cho sân golf theo quy định cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán và kinh doanh không đúng quy định, thậm chí còn có việc bán cả condotel trong dự án sân golf.

Do đó, GS Đặng Hùng Võ cho rằng nên có quy định chặt chẽ về 10% quỹ đất dịch vụ thì chỉ được kinh doanh, các dịch vụ về golf và cho người đánh golf. Bởi hiện nay, nhiều sân golf đang nhập nhằng việc này. Ngoài ra, theo ông Võ, cần đánh thuế, thu tiền sử dụng đất theo dạng đất dịch vụ xây khách sạn, xây biệt thự để bán, cho thuê để tránh thất thu ngân sách nhà nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.