Biểu tình rầm rộ tiếp diễn ở Trung Đông, Bắc Phi

Nhiều người biểu tình đã quay lại Quảng trưởng Ngọc Trai sau khi các xe quân đội rút khỏi đây. (Nguồn: AP/TTXVN)
Nhiều người biểu tình đã quay lại Quảng trưởng Ngọc Trai sau khi các xe quân đội rút khỏi đây. (Nguồn: AP/TTXVN)
Kênh truyền hình Al-Arabiya ngày 19-2 đưa tin Hiệp hội Hòa hợp Quốc gia Hồi giáo (Al-Wefaq), nhóm đối lập chính theo dòng Hồi giáo Shi'ite tại Bahrain, đã bác bỏ lời kêu gọi đối thoại với tất cả các đảng phái của Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay tại quốc gia vùng Vịnh này.

Nhóm Al-Wefaq, giữ 18 ghế trong quốc hội gồm 40 ghế, yêu cầu quân đội phải rút xe tăng khỏi Quảng trường Ngọc Trai ở thủ đô Manama. Trước đó, nhóm này đã tuyên bố rút khỏi quốc hội.

Cùng ngày, Thái tử Sheikh Salman bin Hamad al-Khalifa đã ra lệnh cho tất cả binh sỹ và xe quân đội rút khỏi các đường phố, đồng thời ra lệnh cho lực lượng cảnh sát giám sát việc thực hiện luật pháp và đảm bảo trật tự.

Theo kênh truyền hình Al-Arabiya, nhiều người biểu tình đã quay lại Quảng trưởng Ngọc Trai sau khi các xe quân đội rút khỏi đây.

Nhiều người biểu tình đã quay lại Quảng trưởng Ngọc Trai sau khi các xe quân đội rút khỏi đây. (Nguồn: AP/TTXVN)
Nhiều người biểu tình đã quay lại Quảng trưởng Ngọc Trai
sau khi các xe quân đội rút khỏi đây. (Nguồn: AP/TTXVN).
 

Tại Yemen, các cuộc xung đột giữa những người ủng hộ và phản đối chính phủ ở thủ đô Sanaa đã làm ít nhất một người thiệt mạng và ba người bị thương. Khoảng 1.000 người chống chính phủ, chủ yếu là sinh viên, tham gia cuộc biểu tình đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức sau 33 năm cầm quyền, trong khi khoảng 300 người trang bị dao găm, súng và dùi cui, bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền.

Tại Ai Cập, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang cảnh báo không cho phép người dân tổ chức bất cứ cuộc bãi công hoặc biểu tình nào. Trước đó, hội đồng này đã ra tuyên bố nhấn mạnh các cuộc biểu tình đe dọa tình hình an ninh quốc gia và tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này. Tuyên bố nêu rõ hội đồng sẽ thực hiện các hành động pháp lý đối với người biểu tình để bảo vệ an ninh quốc gia và công dân nước này.

Cùng ngày, Tòa án hành chính tối cao Ai Cập đã phê chuẩn việc thành lập đảng Hồi giáo Al Wasat, do các cựu thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo sáng lập. Đây là đảng Hồi giáo đầu tiên được phép thành lập kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.

Với quyết định trên của tòa án, đảng Al Wasat sẽ có quyền tham gia cuộc bầu cử quốc hội sắp tới của Ai Cập.

Tại Algeria, nhà chức trách đã triển khai thêm lực lượng an ninh và xe chống bạo động trên hầu hết các đường phố ở thủ đô Alger nhằm đối phó với một cuộc biểu tình do Phong trào phối hợp quốc gia vì sự thay đổi và dân chủ (NCCD) kêu gọi tổ chức trong ngày 19-2. Khoảng 450 người biểu tình đã tìm cách vào Quảng trường 1-5 ở thủ đô Alger, song đã bị lực lượng cảnh sát giải tán, một số người bị bắt giữ.

Tại Iran, phe đối lập cũng kêu gọi biểu tình tại thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác trong ngày 19-2 để tưởng niệm hai người biểu tình thiệt mạng một tuần trước đó.

Tại Djibouti, hàng nghìn người đã biểu tình trong hai ngày 18 và 19-2 để đòi Tổng thống nước này Ismael Omar Guelleh từ chức. Những người biểu tình ném gạch đá vào cảnh sát, đốt xe cộ và đập phá nhiều đồn cảnh sát. Lực lượng an ninh đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.

Những người biểu tình phản đối việc tổng thống Guelleh tiến hành sửa đối hiến pháp hồi năm ngoái nhằm mở đường cho việc tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa sau hơn hai 20 năm lãnh đạo đất nước.

TTXVN

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG