Dịch vụ Bình đẳng giáo dục ELS của Đại học RMIT ra mắt năm 2013 với mong muốn đem đến cho mọi sinh viên những cơ hội và hỗ trợ bình đẳng. ELS hỗ trợ sinh viên khuyết tật, sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt, sinh viên có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần cũng như sinh viên đang chăm sóc cho những người này. Từ ngày thành lập đến giờ, ELS đã làm việc với hơn 500 sinh viên, nhiều bạn trong số đó đã tốt nghiệp với kết quả vượt trội.
Là sinh viên khiếm thị đầu tiên học tại RMIT, bạn Nguyễn Tuấn Tú - tốt nghiệp ngành Kinh doanh (Hệ thống thông tin trong kinh doanh) - đã tình nguyện tham gia vào nhiều thử nghiệm hỗ trợ và học tập khác nhau trong suốt thời gian học tại Đại học RMIT.
Sinh viên khiếm thị đầu tiên học tại RMIT Việt Nam Nguyễn Tuấn Tú và Trưởng phòng Chăm sóc Sức khỏe và Tâm lý bà Ela Partoredjo tại hội thảo Thực hành Tiếp cận và Hòa nhập trong giáo dục sau phổ thông được tổ chức tại RMIT.
Dự án đầu tiên Tú thực hiện với Bộ phận Kỹ năng học tập của RMIT đã tạo nền tảng thành lập Trung tâm Nguồn lực hỗ trợ sinh viên khuyết tật, tiền thân của ELS hiện nay.
Tú cho biết một trong những yếu tố trọng yếu định hướng hoạt động của ELS chính là gắn kết và đưa sinh viên vào quá trình thực hiện các hoạt động chính của mình.
“ELS chính thức ra mắt với chiến dịch truyền thông do chính các bạn sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại trường lên kế hoạch và thực hiện”, Tú chia sẻ. “Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức cho sinh viên khuyết tật cũng như cộng động, đồng thời giảm bớt tiếng xấu của vấn đề này và gặt hái thành công lớn hơn”.
Nguyễn Tuấn Tú tham gia vào chiến dịch do sinh viên trường thực hiện để chính thức ra mắt Dịch vụ Bình đẳng giáo dục của RMIT
Trưởng phòng Chăm sóc Sức khỏe và Tâm lý bà Ela Partoredjo cho biết mục tiêu chính của ELS là “loại bỏ rào cản để sinh viên có thể tham gia hiệu quả vào mọi trải nghiệm học trong trường”.
Điển hình là đầu năm 2014, ELS đã ra mắt bản Kế hoạch học tập bình đẳng để chỉ ra việc hoàn cảnh của một sinh viên có thể tác động lên trải nghiệm học của họ như thế nào, từ đó đưa ra đề xuất hỗ trợ thích hợp. Văn bản này được tư vấn viên của ELS chia sẻ cho thầy cô phụ trách giảng dạy sinh viên đó ở mỗi học kỳ.
Đến tháng 4/2016, Đại học RMIT đã ra mắt sáng kiến RMIT Access nhằm chuyển mọi tài liệu học sang những mẫu biểu dễ truy cập. Theo đó, mọi hình biểu đồ và bảng biểu trong các tài liệu học đều được vẽ lại, và mọi hình ảnh đều được bổ sung thêm dòng chữ mô tả.
“Từ ngày ra mắt, sáng kiến RMIT Access đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc lên việc truy cập tài liệu học và chất lượng trải nghiệm học, đồng thời nâng cao danh tiếng của trường với tư cách đại học hàng đầu trong giáo dục bình đẳng ở khu vực”, Tú nhận định.
Dịch vụ mới đây nhất của ELS chính là Chương trình Hỗ trợ sinh viên ra mắt năm 2018 nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình học bằng cách cho các bạn cơ hội đăng ký người đọc hộ, chép bài hộ, ghi chú hộ và/hoặc hỗ trợ tham dự lớp học.
“Bình đẳng giáo dục cho phép sinh viên RMIT hiểu rằng khiếm khuyết không thể hiện con người các bạn, rằng họ vẫn có thể thành công và đóng góp với công cụ và tư duy phù hợp, điều sẽ giúp đổi thay mạnh mẽ toàn bộ một con người cũng như tương lai của họ”, Tú chia sẻ.
Bên cạnh những nỗ lực trao cơ hội giáo dục bình đẳng đến nhiều bạn trẻ hơn nữa, từ năm 2014, Đại học RMIT đã triển khai Học bổng Chắp cánh ước mơ thường niên dành cho sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn và không có điều kiện theo học chương trình đại học tại RMIT Việt Nam. Học bổng bao gồm 100% học phí học tiếng Anh và chương trình đại học, cũng như các khoản phí bắt buộc với sinh viên RMIT Việt Nam, một suất ở ký túc xá, sinh hoạt phí hàng tháng, một máy tính xách tay và chí phí về thăm quê.
Mới đây, Học bổng Chắp cánh ước mơ đã được mở rộng từ một thành bốn suất học bổng. Chương trình học bổng mới này do RMIT phối hợp thực hiện cùng bốn tổ chức phi lợi nhuận là REACH, KOTO, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm Vì người mù Sao Mai.