Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm về ChatGPT: Các chuyên gia nói không có mối đe dọa nào cả

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên "cơn sốt" toàn cầu và hiện là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia. Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục nhận thức cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục.

Ngày 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục".

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ, sẽ có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, để hiểu rõ bản chất của ChatGPT, đứng từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, cần quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung, đồng thời, hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này.

Thứ trưởng Sơn cho rằng, vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ thích ứng mà còn đón đầu và còn phát huy những lợi thế của công nghệ.

Không có sự đe dọa nào cả

Thông tin buổi tọa đàm được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà quản lý, cộng đồng giáo viên, chuyên gia giáo dục và chuyên gia công nghệ. Đặc biệt, cộng đồng giáo dục chia sẻ và bày tỏ sự đón đợi nhiều trên mạng xã hội.

PGS. TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, dân công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh. Công nghệ và khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài và có những có công nghệ mới và đến một thời điểm nào đó đủ chín thì sẽ cho ra đời các sản phẩm.

PGS.TS Tùng cho rằng, sản phẩm ChatGPT có cái hay là nó đến thẳng với đại chúng và chính vì vậy mọi người khá bất ngờ vì thấy ChatGPT kì diệu đến như vậy còn những người làm khoa học, những người trong nghề cảm thấy bình thường.

“Có lẽ chúng ta coi nó như một thành tựu lần đầu tiên đại chúng được trải nghiệm và thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi nhưng không quá kì vọng nó tạo ra thứ thay thế con người trong một sớm một chiều. Đây đơn giản là một mô hình thuật toán mà chưa có suy luận, sáng tạo như một con người. Coi đây là một công cụ chứ không đe dọa như mọi người vẫn nghĩ”- ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định, sản phẩm ChatGPT là một phiên bản thể hiện vô cùng thành công của ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Và phiên bản thành công này có các yếu tố khác với các phiên bản khác đấy là tính phổ cập và tính học hỏi cao ở màu sắc ngôn ngữ.

“Sản phẩm ChatGPT là động lực để chúng ta nhìn nhận đầu tư vào công nghệ để hỗ trợ vào cho ngành giáo dục đào tạo, nhìn nhận làm chủ công nghệ mới ra làm sao và đồng thời xác định những thách thức dù là thách thức đó mang tính tích cực trong dạy và học hay thách thức tiêu cực cần hạn chế”- ông Thắng nói.

TS. Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho rằng, với dữ liệu khổng lồ thì ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên.

MỚI - NÓNG