Bộ Giao thông nêu lý do phải kiểm soát trần giá vé máy bay nội địa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Giao thông vận tải cho rằng, thị trường hàng không nội địa, vẫn còn hãng giữ thị phần thống lĩnh (nguy cơ tăng giá bất hợp lý ở đường bay độc quyền, dịp cao điểm) nên cần giữ quy định nhà nước ban hành trần giá vé; doanh nghiệp tự quyết định giá cụ thể; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi, trong đó nhà nước vẫn quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa. Với quy định này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tiếp tục ban hành trần giá vé máy bay nội địa như hiện hành.

Trong văn bản vừa trả lời Hiệp hội Vận tải hàng không (VABA) về kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay nội địa, Bộ GTVT cho biết về góp ý với dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ GTVT đề nghị cơ quan soạn thảo giữ quy định hiện hành về giá vé máy bay nội địa, theo nguyên tắc Bộ GTVT quyết định giá tối đa, hãng hàng không quyết định giá vé cụ thể.

Bộ Giao thông nêu lý do phải kiểm soát trần giá vé máy bay nội địa ảnh 1

Bộ GTVT cho rằng, thị trường hàng không nội địa hiện vẫn còn sự cạnh tranh hạn chế, nên cần quy định giá trần để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: Phạm Thanh).

Bộ GTVT cho rằng, vận chuyển hàng không là một trong những dịch vụ tác động lớn tới đời sống người dân và nền kinh tế. Nếu không có giá trần vé máy bay, nhà nước sẽ không còn điều tiết giá, các hãng hàng không toàn quyền quyết định giá vé. Khi đó, các hãng hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế, hoặc giai đoạn cao điểm. Việc đẩy giá vé máy bay này làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thị trường vận tải khách nội địa còn sự cạnh tranh hạn chế. Dù Việt Nam có 5 hãng hàng không thương mại, nhưng có tới 2 hãng chiếm trên 30% thị phần - chiếm tỷ lệ thống lĩnh thị trường. Cụ thể, trên thị trường nội địa, Vietjet Air hơn 39% thị phần, tiếp đến là Vietnam Airlines gần 38% thị phần, Bamboo Airways hơn 14%, Pacific Airlines 6,5% và Vietravel Airlines xếp cuối với hơn 2% thị phần.

Về lâu dài, khi thị trường hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội, nhiều hãng tham gia cạnh tranh về chất lượng, giá vé, người dân có nhiều lựa chọn theo nhu cầu của mình, khi đó, Bộ GTVT cho rằng, việc bỏ trần giá vé máy bay nội địa mới phù hợp.

Theo Bộ GTVT, việc bỏ trần giá vé máy bay nội địa cần có lộ trình. Trước mắt, nhà nước chỉ quy định trần, còn giá cụ thể do doanh nghiệp tự xây dựng, để các hãng cạnh tranh giảm giá, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Bộ GTVT đã gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan sửa đổi quy định về khung giá vé máy bay nội địa (sửa Thông tư 17/2019). Theo dự thảo này, sẽ tăng trần giá vé máy bay với các chặng từ 500km trở lên, mức tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/vé một chiều (tùy theo chặng). Trần giá vé máy bay nội địa hiện hành đã được ban hành và áp dụng từ năm 2015 tới nay.

MỚI - NÓNG