Bộ KH&ĐT đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp sản xuất ô tô Vinaxuki đã chính thức biến mất khỏi thị trường. Ảnh: Anh Tuân
Doanh nghiệp sản xuất ô tô Vinaxuki đã chính thức biến mất khỏi thị trường. Ảnh: Anh Tuân
TP - Ngày 2/7, tại cuộc họp về chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ này đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Theo ông Dũng, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn cuộc sống, sinh kế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, dịch bệnh khiến nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới và Việt Nam đứt gãy. Khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau dịch bệnh, cũng là lúc nhu cầu tăng. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để đưa DN tham gia vào chuỗi cung ứng.

Theo đó, Bộ KH&ĐT phối hợp với tổ chức quốc tế nghiên cứu đánh giá lại tác động của dịch COVID-19 lên chuỗi cung ứng của một số ngành tại Việt Nam; Từ đó, nghiên cứu đưa ra khuyến nghị chính sách tăng cường sự tham gia của DN nội địa, nhất là DN nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ba ngành: Nông nghiệp; chế biến thực phẩm; ô tô và xe điện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dẫn đến những thách thức cho DN trong ứng phó với sự gián đoạn thị trường. Các vấn đề nổi cộm gồm: Hệ thống logistics kém phát triển; Kênh phân phối chính là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống; Khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khả năng truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế; Năng lực hoạt động nghiên cứu và triển khai để tham gia vào các hoạt động mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng cũng như thay thế hàng hóa nhập khẩu; Năng lực xây dựng thương hiệu.

Mặc dù COVID-19 không tác động trực tiếp đến ngành ô tô Việt Nam, nhưng đại dịch cũng đã góp phần thúc đẩy 2 xu hướng toàn cầu tác động gián tiếp đến ngành. Theo đó, sự chuyển dịch, xu hướng mới nổi về phương tiện giao thông không phát thải và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của các Cty đa quốc gia trong ngành. Ngành ô tô Việt Nam còn nhiều hạn chế với các vấn đề cố hữu, như: Thị trường nhỏ cho mỗi mẫu xe; Sự kém cạnh tranh về chi phí lắp ráp ô tô tại Việt Nam đến từ chi phí logistics nhập khẩu linh kiện, phụ tùng.

Tuy nhiên, đại dịch cũng đã mang lại nhiều cơ hội cho một số ngành. Ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm có điều kiện phát huy tiềm năng lớn để chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương, tăng cường sự tham gia của DN địa phương vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu…

MỚI - NÓNG