Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình thêm về sửa quy định Bảo hiểm xã hội 1 lần

0:00 / 0:00
0:00
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, góp ý, đề xuất liên quan tới sửa quy định về BHXH một lần. Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan soạn thảo dự luật vừa giải trình thêm về các góp ý này.

Cho phép nhận BHXH một lần không điều kiện

Góp ý cho Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, một số đại biểu có ý kiến đề nghị liên quan tới sửa quy định về chế độ BHXH một lần, cụ thể: Nghiên cứu không nên phân biệt nhóm lao động tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực; nghiên cứu phương án chỉ cho người lao động rút phần mình đóng (8%), bảo lưu phần người sử dụng lao động đóng (22%) để hưởng các chế độ về sau; xem xét tách quỹ hưu trí thành 2 phần, một phần là sàn an sinh xã hội (chiếm 1/3 mức đóng) người lao động không được rút, và phần mở (chiếm 2/3) người lao động được rút…

Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan soạn thảo luật) cho rằng, quá trình tổng kết Luật BHXH 2014 cho thấy, giai đoạn 2016-2022 có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Trong đó, chỉ có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH.

Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương đặt mục tiêu, tới năm 2030, có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Để đạt mục tiêu này, việc bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần là vô cùng cần thiết. Nghị quyết này cũng đặt ra nhiệm vụ cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần.

Thông lệ quốc tế cũng cho thấy, hầu hết các nước chỉ cho phép người lao động nhận BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt, như tới tuổi nghỉ hưu không đủ điều kiện nhận lương, ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo. Trong khi, hiện Việt Nam cho phép người lao động nhận BHXH một lần mà hầu như không có bất kỳ điều kiện nào, chỉ phải chờ 12 tháng sau khi không tiếp tục đóng BHXH.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của vấn đề, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án lấy ý kiến trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, phương án 1 là người tham gia trước khi luật có hiệu lực được nhận BHXH một lần, tham gia sau khi luật có hiệu lực không được nhận. Đây là lộ trình tiến tới việc hưởng BHXH một lần theo thông lệ chung của quốc tế, đảm bảo đúng mục tiêu của chế độ hưu trí là lo cho lúc về già; dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động, đảm bảo sự ổn định của xã hội.

Với phương án 2, cho phép người lao động nhận BHXH một lần, nhưng nhận tối đa không quá 50% thời gian đóng. Giải pháp này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để thuận lợi cho thực hiện, đảm bảo khả thi, tránh các phức tạp trong tính toán nếu áp dụng theo phương pháp cho người lao động hưởng phần mình đóng, bảo lưu phần người sử dụng lao động đóng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình thêm về sửa quy định Bảo hiểm xã hội 1 lần ảnh 1
Đề xuất sửa đổi quy định về BHXH một lần.

Nếu quy định cho phép người lao động chỉ rút phần mình đóng, sẽ gặp một số bất cập, hạn chế, khó thực hiện như: Tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của người lao động ở các thời kỳ khác nhau cũng có quy định khác nhau (có giai đoạn đóng 5%, 6%, 7% và 8%); Có những người lao động đóng cả 22% (như lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người hưởng chế độ phu nhân, phu quân); Có những đối tượng người lao động không phải đóng, tất cả 22% do cơ quan sử dụng đóng (như hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên lực lượng vũ trang…).

Bên cạnh đó, từ trước đến nay, việc ghi nhận quá trình đóng BHXH của người lao động chỉ ghi thời gian và mức lương tính đóng, không ghi theo tỷ lệ người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng. Việc giải quyết các chế độ BHXH của người lao động cũng được tính theo thời gian đóng và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Kinh nghiệm thế giới

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hệ thế giới có 2 mô hình BHXH chính, gồm mô hình quỹ BHXH tập trung, thống nhất; và mô hình theo tài khoản cá nhân. Mô hình quỹ BHXH tập trung có ưu điểm là tăng cường sự chia sẻ giữa những người tham gia, giúp đoàn kết giữa các thể hệ và luôn đảm bảo giá trị của lương hưu sau định kỳ nhà nước điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mô hình này có nhược điểm phải tính toán, dự báo cân đối quỹ hưu trí trong 5-10 năm, để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Mô hình quỹ BHXH theo hình thức tài khoản cá nhân có ưu điểm là cá nhân hóa việc đóng, hưởng BHXH của mỗi người, không có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Nhược điểm của mô hình này là lương hưu phụ thuộc hoàn toàn vào phần tiền đóng góp của cá nhân và kết quả đầu tư quỹ, nên khi có khủng hoảng tài chính, lương hưu sẽ bị suy giảm rất lớn.

Theo ILO, giai đoạn 1981 - 2008, có 23 quốc gia đã chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần các hệ thống hưu trí quốc gia từ mô hình quỹ tập trung thống nhất sang mô hình tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, từ năm 2000, các quốc gia theo mô hình tài khoản cá nhân có xu hướng chuyển đổi lại theo mô hình tạo lập quỹ tập trung, thống nhất. Lý do chính là mức hưởng khi chuyển đổi sang tài khoản cá nhân không được như kỳ vọng, có quốc gia khi chuyển tỷ lệ lương hưu chỉ còn 35% thay vì tỷ lệ 55% trước đó. Điều này đã gây nhiều bất ổn lớn trong xã hội.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc điểm của Việt Nam, Nghị quyết 28 của Trung ương đã xác định mô hình BHXH ở Việt Nam là đa tầng, gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng; Tầng BHXH cơ bản, gồm BHXH bắt buộc và tự nguyện theo mô hình tạo lập quỹ tập trung, thống nhất; Tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường và mô hình tài khoản cá nhân.

“Mô hình BHXH đa tầng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa của Việt Nam, cũng phù hợp với xu hướng chung của quốc tế hiện nay”, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm