Bỏ 'nhiệt liệt chào mừng'

Bỏ 'nhiệt liệt chào mừng'
TP - “Khi lãnh đạo trung ương về tỉnh làm việc luôn được đón tiếp với khẩu hiệu Nhiệt liệt chào mừng. Đi làm việc là bình thường chứ sao cứ phải Nhiệt liệt chào mừng.

Dịp lên Tây Bắc vừa qua, mặc dù đã dặn trước song có tỉnh vẫn chăng khẩu hiệu chào mừng, tôi phải ngồi chờ phòng khách đến khi tháo gỡ mới vào làm việc”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết trung ương 4 của Hà Nội đầu tuần này.

Trước đó, ngày 29-2, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn nói: “Ra thăm đồng gì mà dân thì lội bùn cày cấy ở dưới ruộng, cán bộ đứng trên bờ mặc com-lê đi giày, có người che ô, chướng quá, Bác Hồ làm thế à? Thế mà cứ hô khẩu hiệu là học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ!

Xuống với dân, làm việc với cơ sở mà cứ phải có khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm làm việc”. Việc nhỏ này thôi mà cũng có lắm lý sự; nhưng quan trọng là phải biết nghe dân. Dân người ta nói không phải chuyện tốn kém, mà là tác phong, phong cách. Cái đó có phải là quan cách không? Học Bác Hồ thì học luôn đi, chứ chờ cơ chế gì, tốn tiền, tốn của gì?” (Trích phát biểu đăng trên website Tạp chí Cộng Sản ngày 20-3).

Sinh thời, mỗi khi Bác Hồ về thăm địa phương nào, thấy nơi đó chăng đèn, kết hoa, căng khẩu hiệu chào mừng, Bác đều nhẹ nhàng góp ý, giải thích : Bác là “công bộc” về thăm, kiểm tra, nắm tình hình nhân dân chứ không phải ông vua, ông quan. Đáng tiếc lời dạy dung dị, thấm đẫm tình người của Bác đã bị không ít cán bộ lãng quên. “Công bộc” của dân về với dân, hà cớ gì phải chăng đèn kết hoa, “nhiệt liệt chào mừng” ?

Như vậy có thể hiểu, từ nay những khẩu hiệu đỏ chót “nhiệt liệt chào mừng” vị A, vị B đến thăm và làm việc sẽ khó có cơ tái xuất. Ngân sách cũng bớt đi được vài trăm ngàn tiền khẩu hiệu cho mỗi vị. Tuy là việc nhỏ song lại mang ý nghĩa lớn. Qua rồi cái thời lãnh đạo xuống địa phương là “vinh dự, tự hào”, là băng rôn, khẩu hiệu, xe pháo đưa rước linh đình.

Xuống địa phương làm việc, chỉ đạo, nắm bắt tình hình là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người lãnh đạo, đâu phải đi thăm thú, để ban ơn, để cho và nhận những lời có cánh.

Buổi làm việc của lãnh đạo với địa phương sẽ nhanh chóng đi vào vấn đề, sẽ thực chất hơn với đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm đến từ hai phía. Những mỹ từ sáo rỗng theo kiểu “trân trọng giới thiệu và kính mời” đã thành câu cửa miệng của không ít cán bộ sẽ bớt đi, thay vào đó là một lề lối làm việc chuyên nghiệp với đầy đủ trách nhiệm, chí công vô tư của người cán bộ trước việc dân việc nước.

Cấp trên gương mẫu làm trước, cấp dưới ắt sẽ phải noi theo. Tinh thần đúng đắn đó của Nghị quyết T.Ư 4 đã bắt đầu khởi động, đã thực đi vào cuộc sống, từ câu chuyện bỏ “nhiệt liệt chào mừng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.