Bộ trưởng Công Thương nêu loạt vấn đề tại dự án đường dây 500 kV

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại cuộc họp trực tuyến với với 9 địa phương có đường dây 500 kV mạch 3 đi qua ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng - đã nêu nhiều nguyên nhân ảnh hưởng dự án và đề nghị các tỉnh cùng đồng loạt vào cuộc.

Các đơn vị báo cáo gì?

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm này, các địa phương đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 100% vị trí móng cột của đường dây 500 kV mạch 3 nhưng vẫn còn 285/503 khoảng néo chưa được các địa phương bàn giao mặt bằng.

Theo lãnh đạo EVN, khối lượng thi công còn nhiều, trong khi các dự án đang gặp phải nhiều khó khăn: Huy động máy móc thi công móng cọc, vướng mắc thỏa thuận đền bù thi công; khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có các công trình phải phá dỡ, di dời hoặc tái định cư; sản xuất, cung cấp cột thép.

Báo cáo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo, các địa phương cho biết đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý để phê duyệt phương án bồi thường; vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc đến khung chính sách bồi thường.

Bộ trưởng Công Thương nêu loạt vấn đề tại dự án đường dây 500 kV ảnh 1
Thi công vị trí 34 Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Ảnh: Xuân Tiến.

Theo Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An, cùng với đó, trong quá trình làm đường phục vụ thi công, người dân còn gây khó dễ, đòi đền bù cao hơn quy định, nhiều công trình cần phải di dời, tái định cư. Chủ tịch EVN kiến nghị các địa phương hỗ trợ, sao cho đến giữa tháng 5/2024 phải xong hành lang tuyến. Về thủ tục hồ sơ sẽ làm song song để đẩy nhanh tiến độ. Đối với khung chính sách đền bù, hiện đang tiến hành xây dựng theo hướng có lợi nhất cho người dân.

Có dấu hiệu trục lợi tiền giải phóng mặt bằng

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết các bộ, ngành, UBND 9 tỉnh có dự án đi qua, EVN/EVNNPT đã chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nên hai tuần vừa qua công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến và công tác thi công đã có chuyển biến nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Theo Bộ trưởng Công Thương, tiến độ của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa đạt yêu cầu. Việc bàn giao mặt bằng vị trí cột, khoảng néo và hành lang tuyến ảnh hưởng tới tiến độ của nhà thầu thi công.

Cụ thể, công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đến nay mới chỉ đạt 43,04. Còn 285 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Nếu không xử lý dứt điểm các vướng mắc để bàn giao toàn bộ hành lang tuyến sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân có nhiều nhưng có 3 điểm cơ bản: Hồ sơ chậm dẫn đến giải quyết chính sách chậm, việc thi công nhiều vị trí cột gặp khó khăn do địa hình hiểm trở và huy động máy móc lớn. Vì vậy, Bộ trưởng Công Thương đề nghị UBND các tỉnh có các dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng để các hộ dân đồng thuận, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến trong tháng 3. Đảm bảo các dự án có thể triển khai thi công kéo dây vào đầu tháng 4.

“Đề nghị các tỉnh tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thỏa thuận, mở đường vào thi công và bãi tập kết nguyên vật liệu để triển khai thi công. Đặc biệt là một số vị trí đang gặp khó khăn chưa thể triển khai thi công, trong đó có các vướng mắc tại vị trí 127 thuộc Dự án ĐD 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu”, Bộ trưởng Diên nói.

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, tại vị trí 127 thuộc xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), hộ dân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng phần diện tích đất vĩnh viễn, nhưng yêu cầu giá bồi thường làm đường tạm thi công quá cao so với quy định và các vị trí khác trên cùng địa bàn.

Về khó khăn về giải phóng mặt bằng, báo cáo cho biết có 691 công trình phải phá dỡ, di dời hoặc tái định cư. Trong đó, tỉnh Nam Định có 146 trường hợp; tỉnh Thái Bình có 79 trường hợp; tỉnh Ninh Bình có 19 trường hợp; tỉnh Hải Dương có 30 trường hợp; tỉnh Hưng Yên có 19 trường hợp. Tỉnh Thanh Hóa có 182 trường hợp; tỉnh Nghệ An có 64 trường hợp; tỉnh Hà Tĩnh có 150 trường hợp; tỉnh Quảng Bình có 5 trường hợp. Nếu không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng đến công tác dựng cột, kéo dây các dự án.

MỚI - NÓNG