Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thực hiện chương trình GDPT mới không nên cực đoan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với thầy trò Trường tiểu học, THCS - THPT Nguyễn Siêu về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nhằm nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của đơn vị giáo dục ngoài công lập.

Giáo viên vẫn bám chặt sách giáo khoa

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thuận lợi lớn nhất của nhà trường là Chương trình GDPT 2018 tiệm cận với các chương trình quốc tế nên khi xây dựng, phát triển chương trình tích hợp không vấp khó khăn.

Chương trình mới với nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận, phát huy được năng lực cá nhân. Các môn tích hợp giúp tinh giản, tránh chồng chéo nội dung; giúp học sinh liên kết các nhóm kiến thức liền mạch, xuyên suốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thực hiện chương trình GDPT mới không nên cực đoan ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm việc với Trường tiểu học, THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội).

Học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên có thêm tư liệu phục vụ dạy học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng hình thức dạy học.

Với chương trình mới, số trang giáo án của giáo viên giảm nhưng phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng được kế hoạch bài dạy. Chưa kể, đòi hỏi giáo viên phải tư duy, đổi mới phương pháp.

“Thực tế, một số giáo viên vẫn đang bám sách giáo khoa như thói quen cố hữu, không có sách không thể soạn được giáo án. Ví dụ đã dạy bộ “Cánh Diều” là bám chặt cánh diều không dám bám vào cánh khác trong khi phải coi chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tư liệu tham khảo”, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu.

Người quản lý trường học này cũng nói rằng, dù là một trường tư thục được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, phụ huynh trẻ đồng hành song trên thực tế vẫn còn khó khăn.

Cụ thể là việc thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên, sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ giáo viên cũng dẫn tới khó khăn trong tập huấn tiếp cận chương trình. Học sinh lựa chọn môn học ở THPT còn theo cảm tính và cùng với đó là khó khăn do tác động của hơn 2 năm COVID-19, các em phải học theo hình thức trực tuyến.

Mỗi giờ dạy giáo viên vất vả hơn

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo các Vụ, Cục chuyên môn đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến tập huấn giáo viên; kế hoạch xây dựng bài giảng, tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cũng như tổ chức lớp học theo chương trình mới…

Các thầy cô giáo, những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy các bộ môn chia sẻ, chương trình mới có sự “lột xác về tư duy” đòi hỏi giáo viên phải vất vả hơn nhiều. Đó là việc mất rất nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch bài giảng, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp dạy học phù hợp nội dung. Thậm chí, phải xây dựng kế hoạch dạy học theo tổ, nhóm sau đó đi đến thống nhất.

"Hà Nội có cách làm rất hay là hằng tháng, tổ chức tiết dạy mẫu tại một trường và mời giáo viên nhiều trường tham dự theo hình thức trực tuyến và trực tiếp để rút kinh nghiệm. Từ đó, giáo viên học hỏi được lẫn nhau", một giáo viên chia sẻ.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này là đổi mới sâu sắc, đi vào chiều sâu tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thực hiện chương trình GDPT mới không nên cực đoan ảnh 2

Dịp này, Trường Nguyễn Siêu vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.

Quá trình đổi mới là lâu dài, các đơn vị trường học không nên hốt hoảng khi vẫn còn chỗ nọ chỗ kia chưa được. Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu cốt lõi cần đạt ngay nhưng cũng có việc chúng ta từng bước chuẩn bị mới đạt được.

Cũng theo ông Sơn, chương trình thay đổi lớn, nhưng trong thực hiện không nên cực đoan, chuyển từ cực này sang cực khác, mà cần hài hòa, kế thừa những tích cực từ cái cũ.

Lấy ví dụ, đối với môn Ngữ văn trước đây phải làm sao giúp học sinh hiểu, cảm thụ một số tác phẩm để phát triển cảm xúc con người thì nay con đường đi khác hơn là dùng bất kỳ ngữ liệu nào để dạy học sinh các kỹ năng đọc, hiểu… Tuy nhiên, thầy cô vẫn cần khuyến khích các em phải thuộc câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ hay như công thức toán để làm dữ liệu khi cần tư duy. Phải có kiến thức mới hình thành được năng lực, chỉ có điều không phải lấy kiến thức làm mục tiêu.

Với những lợi thế hiện có của trường ngoài công lập, Bộ trưởng mong muốn nhà trường phát huy hết mọi nguồn lực để dạy học, chia sẻ kinh nghiệm quý giá với các cơ sở giáo dục khác.

Dịp này, Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.

MỚI - NÓNG