Bộ Y tế không có văn bản cho phép sử dụng E102

Sau loạt bài trên Tiền Phong, thị trường xuất hiện một số nhãn mỳ tôm ghi rõ không dùng E102
Sau loạt bài trên Tiền Phong, thị trường xuất hiện một số nhãn mỳ tôm ghi rõ không dùng E102
TP - Trả lời Tiền Phong, một doanh nghiệp sản xuất mì tôm ở Việt Nam khẳng định, chưa bao giờ thấy và nhận được bất cứ văn bản nào của Bộ Y tế cho phép sử dụng phẩm màu vàng tổng hợp Tartrazine (còn gọi là E102) trong mỳ tôm.

> Toàn văn Văn bản trả lời của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm
> Kiến nghị kiểm tra E102 trong mỳ tôm

Sau loạt bài trên Tiền Phong, thị trường xuất hiện một số nhãn mỳ tôm ghi rõ không dùng E102
Sau loạt bài trên Tiền Phong, thị trường xuất hiện một số nhãn mỳ tôm ghi rõ không dùng E102.
 

Đã bao giờ doanh nghiệp nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế cho phép dùng E102 trong mì tôm chưa, thưa bà?

Bà Hoàng Minh Thùy, Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam (VIFON): Chất màu E102 là phụ gia nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế. Đó là quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, Bộ Y tế - Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, ban hành kèm Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31-8-2001.

Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm dựa theo quy định này mà vận dụng trong sản phẩm của mình. Còn về văn bản chính thức của Bộ Y tế với nội dung cho phép sử dụng màu E102 trong mỳ tôm thì không có. Công ty chúng tôi cũng không nhận được văn bản này.

Không thấy và không nhận được văn bản chính thức, doanh nghiệp làm gì với E102?

Chúng tôi không dùng. Chúng tôi đã chọn các màu tự nhiên tại Việt Nam để tạo màu vàng trong sản phẩm thay thế E102. Các chất màu này, ngoài tác dụng tạo màu sắc cho sản phẩm, còn có ưu việt là tác dụng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Màu nghệ vàng (curcumin) có hoạt tính chống viêm loét dạ dày, chống rối loạn tiêu hóa, giải độc máu và phòng chống ung thư, có tác dụng làm đẹp da; Màu điều đỏ cam (bixa orellana L) có hoạt tính chữa ly, tẩy giun, làm săn da; Màu b-caroten (cam vàng) là tiền chất của vitamin A nên làm mắt thêm sáng, tăng cường hệ miễn dịch, chống ôxy hoá, bảo vệ màng tế bào, làm chậm sự lão hoá, ngăn ngừa ung thư.

Phẩm màu tự nhiên có nhược điểm gì, thưa bà?

“Với E102, nguy cơ dị ứng đã được các quốc gia thừa nhận, Codex cũng đã nêu vấn đề và bản thân Cục ATVSTP cũng đề cập. Như vậy, theo luật, các thực phẩm có chứa E102 phải có cảnh báo về nguy cơ dị ứng trên bao bì. Như thế mới là đúng pháp lý và coi trọng sức khỏe người tiêu dùng” - PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

Nó không bóng, bền, bắt mắt như phẩm màu tổng hợp. Về kinh tế, khi dùng E 102 trong mỳ tôm, nhà sản xuất tiết kiệm được 40-90% giá thành thành phần chất màu trong một gói mỳ so với dùng màu tự nhiên.

Có phải chỉ vì lý do chưa có văn bản của Bộ Y tế mà doanh nghiệp không dùng E102?

Còn có lý do quan trọng khác. Đấy là cảnh báo của nhiều nước E102 ảnh hưởng sức khỏe. Người tiêu dùng ngày nay có cơ hội tiếp cận với rất nhiều nguồn tin. Không ít trường hợp, họ tìm cách tự bảo vệ mình thay vì dựa vào văn bản pháp lý. Khi biết E102 có tác hại đến sức khỏe từ chính các nước nhập sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi quyết định loại E102 ra khỏi tất cả các sản phẩm xuất khẩu và nội địa.

Nhưng Cục ATVSTP bảo chỉ Hàn Quốc và Nhật Bản cấm E102?

Không chỉ Nhật, chúng tôi còn xuất khẩu đến nhiều nước như Mỹ, Úc, các nước châu Âu, v.v. Theo quy định của các nước này, thực phẩm nhập khẩu không được phép có E102.

Đoàn liên ngành đã bao giờ kiểm tra chỉ riêng E102 mà nhiều nước đã cảnh báo chưa?

Chưa. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có doanh nghiệp của chúng tôi. Đoàn gồm đại diện năm cơ quan thường kiểm tra hồ sơ công bố của các sản phẩm. Không có kiểm tra riêng biệt nào với chất màu E102. Thay vào đó, họ kiểm tra tổng thể tất cả các phụ gia sử dụng trong sản xuất mỳ, phở, bún, hủ tiếu, tương ớt.

Có cách nào để dễ dàng nhận biết mỳ tôm có dùng phẩm màu độc hại E102 không?

Đầu tiên, nên đọc thông tin thành phần trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, vắt mì dùng màu E102 thường có màu vàng sáng hơi ngả xanh, tươi. Ngược lại, vắt mì dùng màu tự nhiên có màu vàng hơi tối, ngả sang vàng hơi đỏ do màu tự nhiên không tươi như màu tổng hợp. Khi đổ nước sôi vào tô có vắt mỳ, nếu nước chuyển sang màu vàng tươi, vàng ánh xanh, vắt mì đó có chứa màu tổng hợp E102. Với vắt mỳ dùng màu tự nhiên, nước có màu vàng nhạt hơi ngả sang ánh đỏ.

Cảm ơn bà.

Quốc Dũng thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG