'Bóng hồng' tiến sĩ sáng chế vật liệu y sinh mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tưởng rằng trò vặt hoa, lá pha trộn “làm thuốc” ngày nhỏ chỉ để thỏa trí tò mò, nhưng với nữ tiến sĩ trẻ Trần Diệu Linh (31 tuổi, công tác tại Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), không ngờ thú vui ấy lại bén duyên với cô mãi sau này, với những sáng chế mới về vật liệu y sinh dùng trong điều trị và chẩn đoán bệnh.
'Bóng hồng' tiến sĩ sáng chế vật liệu y sinh mới ảnh 1
TS. Trần Diệu Linh tại phòng nghiên cứu

Yêu thích pha trộn, làm thuốc từ bé

Mường tượng về một phòng thí nghiệm hóa học, nhiều người thường nghĩ đến nơi tĩnh lặng với những ống nghiệm, bình cầu, máy móc hiện đại và bình chất lỏng đầy màu sắc. Với nữ tiến sĩ Diệu Linh, mỗi góc phòng, mỗi thiết bị đều ẩn chứa một câu chuyện, một trải nghiệm riêng biệt và là một chương trong cuốn nhật ký khoa học của cô.

Có ống nghiệm chứa dấu vết của sự thất bại, khiến cô phải thao thức, trắng đêm tìm kiếm lời giải. Nhưng cũng có những ống nghiệm lấp ló sự thành công, góp vào hành trình yêu, say, khám phá khoa học của nữ tiến sĩ trẻ.

Nhắc nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, TS. Linh kể, thay vì đi chơi búp bê hay gấu bông như bạn bè trong xóm, cô lại ra vườn vặt hoa, lá rồi nghiền nhỏ, pha trộn với nhau xem có gì xảy ra.

“Các bộ phim thiếu nhi như “Kính vạn hoa” và bộ truyện Harry Potter, trong đó có những phân đoạn về việc pha chế thuốc hay độc dược, với những phản ứng hóa học rất thú vị đã khiến cô reo ầm lên và đặt vô vàn câu hỏi vì sao”, Diệu Linh kể.

Lớn lên, Linh nhận ra sự hiện diện của vật liệu y sinh ở trong đời sống xung quanh cô, từ implant (một phương pháp cấy chân răng) nha khoa bố cô phải trồng để thay cho chiếc răng bị hỏng, hay những nẹp kim loại mà em họ phải cố định trong người để điều trị hẹp lồng ngực…

“Qua đó, tôi nhận ra tiềm năng to lớn của vật liệu y sinh trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và điều trị các bệnh tật. Tôi bắt đầu có ý thức cao về vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe con người”, TS. Linh nói.

'Bóng hồng' tiến sĩ sáng chế vật liệu y sinh mới ảnh 2

Ngay sau khi kết thúc chương trình học cử nhân ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, Linh đã nhận học bổng và đi du học chương trình cao học, nghiên cứu sinh ngành Vật liệu Y sinh của Đại học Ajou, Hàn Quốc.

Vượt định kiến giới, sáng chế vật liệu y sinh mới

Năm đầu tiên làm nghiên cứu sinh ở đất Hàn, TS. Linh kể, mọi người có xu hướng đánh giá con gái tâm lý yếu hơn và sức khỏe kém hơn nam giới, nên tạo ra những giới hạn nhất định với công việc nghiên cứu khoa học và không đánh giá cao khả năng của mình.

“Hồi đầu, tôi chỉ được đi phụ việc cho phòng thí nghiệm, viết bài tổng thuật… Những ý tưởng mới về đề tài nghiên cứu của mình chưa được các giáo sư tin tưởng và chưa có khả năng tự lập nghiên cứu. Vì thế, vấn đề chuyên môn sẽ giao cho người Hàn và giao cho nam giới nhiều hơn”, TS. Linh chia sẻ.

Đây là khoảng thời gian Linh rơi vào trạng thái kiệt sức nhất khi nhiệm vụ chỉ có đọc, hiểu, đọc nhưng không biết bắt đầu từ đâu, len vào ngách nào và làm gì cho mới. Linh từng nghĩ, nếu cứ hoài nghi hay đặt giả định trong 4 bức tường, sẽ khó có ý tưởng nào lóe sáng. Cô đã xốc dậy, bắt đầu những cuộc leo núi để trao nạp lại năng lượng.

TS Trần Diệu Linh đã làm chủ nhiệm và cùng tham gia 4 dự án khoa học trong nước, tác giả của 15 công bố khoa học quốc tế, 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế về vật liệu y sinh và các giải thưởng cho phần thuyết trình, các bài báo khoa học xuất sắc do Hiệp hội Vật liệu sinh học Hàn Quốc trao tặng.

“Trong khoa học, nếu nhìn từ trên cao xuống như nhìn từ đỉnh núi, sẽ càng thêm mông lung, vô định như nhìn lớp lớp mây và lấp ló cảnh vật. Tôi bắt đầu nghĩ đến những công trình mà các bậc vĩ nhân đã làm để tìm ra những chi tiết nhỏ nhất còn trăn trở như cách “vén” rừng, leo núi”, TS. Linh miêu tả.

Từ đó, Linh hướng việc nghiên cứu chú trọng phát triển những vật liệu tiên tiến để điều trị và chẩn đoán như các loại hydrogel thông minh và công nghệ hoạt hóa bề mặt vật liệu y sinh.

Một trong những nghiên cứu nổi bật của Linh là công trình hoạt hóa bề mặt vật liệu cấy ghép, đây là 1 trong 2 bằng độc quyền sáng chế được chính phủ Hàn Quốc cấp năm 2019, khi tạo ra vật liệu đa chức năng có khả năng tương thích máu và chống viêm.

Đặc biệt, công trình này kết hợp hoạt tính chống đông máu của heparin với đặc tính giãn mạch và chống viêm của oxit nitric để giải quyết các vấn đề liên quan đến tụ huyết khối và viêm sau khi cấy ghép, thường gặp trong các thiết bị y tế tiếp xúc với máu.

Chứng kiến cảnh đi sớm, về hôm, coi phòng nghiên cứu như nhà của Linh, PGS.TS. Nguyễn Đại Hải - Viện phó Viện Công nghệ Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đánh giá: “Nghiên cứu không chỉ mang lại lợi ích lớn trong việc điều trị và chẩn đoán y tế, mà còn mở ra khả năng ứng dụng cho nhiều loại vật liệu khác nhau. Ngoài ra, các công bố khoa học của TS. Linh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chất lượng và đa dạng của nghiên cứu về vật liệu y sinh tại viện”.

'Bóng hồng' tiến sĩ sáng chế vật liệu y sinh mới ảnh 3

Trở về Việt Nam sau 5 năm nghiên cứu ở nước ngoài, TS. Linh tự hào: “Về làm việc tại Viện Công nghệ Hóa học theo chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ, tôi thấy đất nước mình đang là một vùng đất hứa để nghiên cứu về vật liệu y sinh. Tôi đã có cơ hội được khẳng định giá trị và trách nhiệm tạo ra các sản phẩm quốc nội phục vụ y tế”.

MỚI - NÓNG