Bức thư lạ của cụ Trường Chinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vẫn tiếp chuyện quanh địa chỉ đỏ làng Yên Lộ (Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ – nay thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) mà TPCN đã đăng trong các số báo ra ngày 16 và 23/4.

Có lẽ hơi bị hiếm và thú vị chuyện bà Nguyễn Thị Tụy, vợ ông Trịnh Bá Bổng, được đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp giới thiệu và kết nạp Đảng.

Và con trai bà Tụy, cậu bé Trịnh Lê Doanh, lanh lợi đội trưởng Thiếu nhi Cứu quốc, liên lạc viên đắc lực dũng cảm của Xứ ủy Bắc Kỳ ở ATK Yên Lộ được ông Trường Chính đặt cho cái tên mới.

Con nhà nòi bề bề chữ nghĩa nhưng vì hiếm (hai đốt trên cậu bé Doanh, cháu nội cụ Tổng Vỹ, bị mất đột ngột khi còn rất trẻ) nên đến đận có thêm hai cậu con trai, các cụ đã lấy cái tên xấu xí là Phân và Gio đặt tên cho hai anh em.

Bức thư lạ của cụ Trường Chinh ảnh 1

Từ trái sang. Cụ Trịnh Bá Bổng, cụ Trường Chinh và ông Trịnh Lê Doanh

Hiếm hoi là thế nhưng ông bà bố mẹ chú bé Doanh vẫn cam lòng cho con cháu can dự vào chốn quốc sự hiểm nguy đến tính mạng bất cứ lúc nào! Chính cụ Trường Chinh đã cải cái tên mới là Doanh thay cho tên Gio!

Cụ Trường Chinh đã gửi cậu bé thông minh nhanh nhẹn Trịnh Lê Doanh đi học ở Khu học xá Nam Ninh.

Không phụ sự tin cậy của các bề trên, Trịnh Lê Doanh sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm ở Khu học xá Nam Ninh về đã xung phong đi dạy chữ cho bà con dân tộc Mông tận vùng cao Hà Giang nhiều năm. Mãi đến khi có vợ và con giai đã nhớn, Trịnh Lê Doanh mới xin về Trường Sư phạm ở quê nhà Hà Đông.

Bức thư lạ của cụ Trường Chinh ảnh 2

Cụ Trường Chinh và dân làng Yên Lộ

…Tôi đương ngồi với người con trai cụ Trịnh Lê Doanh, Trịnh Bá Uy sinh năm 1963. Bá Uy nguyên là sĩ quan công an nay đang làm công tác kiểm tra ở cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều chuyện thú vị được Uy bộc bạch sẻ chia.

Như tuổi thơ được qua lại nhà cửa rồi chơi thân với con cháu và người nhà của các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn…

Rồi những lần được ké chút lộc của ông nội Trịnh Bá Bổng đi Đồ Sơn, Tam Đảo, Vịnh Hạ Long bởi thịnh tình của các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn mời người bạn vong niên, ân nhân của cách mạng Trịnh Bá Bổng cùng đi tham quan nghỉ mát. Cụ Bổng lại cho thằng cháu nội lanh lợi Bá Uy đi theo.

Lần đi Đồ Sơn ấy, Trịnh Bá Uy đã 12 tuổi. Trẻ con hóng chuyện người nhớn có lẽ cũng chả nên nhưng oái oăm, nó là cái sự thường trong sinh hoạt. Mặc dù vô tình nhưng câu chuyện của hai ông già, cụ Trường Chinh và người ông nội đã loáng thoáng lọt tai khi cậu Uy được gọi vào pha hầu ấm trà. Trà pha xong, nhưng chợt thấy hai cụ những nét tở mở hiếm hoi mới thấy xuất hiện đã ghìm chân cậu lại.

Câu chuyện mặc dù chỉ nghe qua nhưng có lẽ do tò mò nên về nhà cậu đã nèo ông nội kể lại. Nhưng ông nội, mặc dù rất cưng chiều thằng cháu nhưng đã nghiêm sắc mặt rồi mắng át đi. Nhưng chuyện ấy sau này đã được ông bố Trịnh Lê Doanh kể lại cho con trai nghe tường tận như này.

Ông Trịnh Bá Bổng thời gian cải cách ruộng đất (CCRĐ) phụ trách trại giam Ba Sao ở Hà Nam. Một ngày nọ, ông Bổng tiếp được một công văn thượng khẩn. Nội dung ông bị Đoàn ủy CCRĐ tỉnh Hà Đông triệu hồi về quê!

Tiếng là cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, từng hai lần tù Hỏa Lò; Gia đình là cơ sở nuôi giấu cán bộ ưu tú của Đảng từng là ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ; Nhưng với những nhạy cảm này khác, ông Bổng vẫn thoáng những cơn lo lắng mơ hồ. Từng hoạt động với lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí trung kiên khác (thời kỳ mà Quốc dân Đảng chưa thoái hóa biến chất). Lại có người cha từng là Phó Chánh tổng, mặc dù gia đình cụ Tổng Vỹ hằng tâm hằng sản bán cả hiệu thuốc Bắc ở Hà Đông để lấy tiền sắm sanh xưởng in cho Xứ ủy. Nhưng khó mà tránh cái tiếng liên lụy với đế quốc phong kiến?! Vài đợt đấu tố lẻ tẻ ở những vùng lân cận mà ông Bổng trực tiếp nghe được đã khiến ông không khỏi lo lắng cùng tâm trạng nặng nề…

Ông chợt nghĩ đến Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đương phải gánh bao trọng trách. Liệu mình có nên quấy quả đồng chí ấy không nhỉ?

Bức thư lạ của cụ Trường Chinh ảnh 3

Trịnh Bá Uy tiếp khách thăm ngôi nhà địa chỉ đỏ

Đắn đo mãi, ông Bổng cũng nhờ một liên lạc viên tin cẩn trực tiếp đi gặp ông Trường Chinh về cái công văn thượng khẩn nọ.

Sau khi nghe cụ thể tường trình của người giao thông tin cẩn của ông Bổng. Ông Trường Chinh đã ngồi lặng phắc hồi lâu!

***

Viết đến đây cũng phải mở thêm một cái ngoặc.

Dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh, tôi đã có loạt bài trong đó có một kỳ báo nói về chuyện thực hư gia đình đồng chí Trường Chinh bị đấu tố trong CCRĐ.

Xin vắn tắt là nhiều chuyện… hư hơn là thực!

Cũng nói ngay là thân phụ và thân mẫu ông Trường Chinh tản cư vào Thanh Hóa sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Trong thời gian CCRĐ đều sinh sống yên ổn ở vùng tự do Nông Cống Xứ Thanh.

Nhưng cơn cuồng phong ấy quét qua cũng để lại ít nhiều những hệ lụy. Ngay trong người thân, họ hàng của đồng chí Trường Chinh cũng có người bị đấu tố.

… Để sang một bên tờ báo có đăng những thơ ca hò vè cổ vũ cho khí thế sục sôi CCRĐ. Trong đó có bài:

Nông dân đã nói là làm/ Đã đi là đến đã bàn là thông/ Đã quyết là quyết một lòng/ Đã phát là động đã vùng là lên/ Đã lật, lật dưới lật lên/ Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời?

Ông Trường Chinh thở dài rồi điềm tĩnh thảo một bức thư ngắn.

Thư viết.

Thân gửi anh Bổng và gia đình.

Lâu nay do bận công tác nên tôi chưa có dịp ghé quê. Nhất là khi nghe tin chị nhà mất (vợ ông Bổng là bà Nguyễn Thị Tụy được đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp giới thiệu và kết nạp vào Đảng năm 1938. Bà mất năm 1947), tôi cũng chưa ghé về.

Rất nhớ quê nhà và những người thân gia đình ta cùng bà con thôn xóm thân gần.

Cây cam chỗ đầu ngõ là giống cam quý tôi còn nhớ quả rất ngon anh chị nhớ phần tôi ít quả vào dịp Tết ta sắp tới…

Rất thân mến

Trường Chinh.

Bức thư vỏn vẹn chỉ có vậy!

Người giao thông tin cẩn của ông Trường Chinh không bất ngờ khi đội Tự vệ đang canh gác nhà ông Bổng hăm hở tịch thu ngay bức thư ấy.

… Bức thư ngay lập tức được trình lên Đoàn ủy CCRĐ.

Rồi cũng mau chóng, người ta hiểu ngay thông điệp của bức thư được toát yếu giữa những hàng chữ, đại loại. Cái nhà mà các anh đang canh chừng đợi chủ nhân về để đấu tố là chỗ thân gần là ân nhân của cách mạng đấy!

Anh Thận (bí danh của ông Trường Chinh) đã cẩn thận đánh tiếng thế quả không thừa!

Mỗi khi nhắc lại bức thư ấy, ông Bổng vui vẻ nói lại với ông con (Trịnh Lê Doanh) đại loại thế.

Mái ấm gia đình có tên là địa chỉ đỏ ấy ở làng Yên Lộ đã may mắn lành lặn qua cơn cuồng phong CCRĐ.

Gia đình ông Bổng đã không có bức thư ấy. Nó đã biến mất ở cơ quan Đoàn uỷ nào đó!

Tâm trạng khi viết cùng nội dung thư chỉ được ông Trường Chinh trực tiếp kể lại cho ông Bổng vào cái năm xa ở Đồ Sơn mà cậu bé Trịnh Bá Uy con ông Doanh - cháu nội cụ Bổng - nghe lỏm được.

Hòa bình, tỉnh ủy viên Trịnh Bá Bổng kiêm Trưởng trại Ba Sao được cơ cấu tham gia Thường vụ tỉnh ủy Hà Đông. Nhưng ông Bổng đã từ chối nói là tuổi cao sức yếu (ông Bổng sinh năm 1901 và mất sau ông Trường Chinh 2 tháng). Ông xin cái chân Chủ nhiệm HTX thuốc nam Hà Đông vì muốn nối nghiệp bốc thuốc chữa bệnh của cụ thân sinh Trịnh Bá Vỹ!

MỚI - NÓNG