Bức tường xương từ nỗi đau diệt chủng

Bức tường xương từ nỗi đau diệt chủng
TP - Phòng trưng bày viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) bị cắt chéo bởi một bức tường dầy khự làm bằng xương. Thành công của Bức tường này không phải ở chỗ giữ chân người xem mà là những suy nghĩ nó đem lại. Triển lãm của họa sĩ mang hai dòng máu Việt Nam - Campuchia kéo dài đến 6-1-2013.

> Những chân trời có người bay
> Một tia sáng vào thế giới đồng tính

Quá trình làm tường đã cho Lê Huy Hoàng nhiều kinh nghiệm về xương. Lúc đầu anh tìm được nguồn xương ở Bắc Giang. Lò mổ đã đồng ý bán, sau do chậm trễ tiền bạc nên họ thôi.

Đến làng xương ở gần Văn Điển (họa sĩ không nhớ tên), anh phát hiện ra xương bán theo kí lô, rất đắt. Vì làng này chuyên doanh loại xương nạc (thường là xương đùi, cẳng trâu bò) để làm khung gương, lược, thậm chí được xuất khẩu để làm phím đàn piano.

Sau may gặp được một người bạn giới thiệu mua xương ở Thái Bình, người bạn này cũng song hành cùng Huy Hoàng trong các khâu thực hiện tác phẩm.

Đầu tiên xương được cho vào bể ngâm với sút. Tẩy xong xương trắng toát, không tự nhiên. Hoàng không biết làm thế nào. May người bạn nghĩ ra cách phun nước giếng khoan (chứa nhiều sắt) vào, xương lại vàng ra, giống moi dưới đất lên. Nhân sáng kiến của anh bạn, Hoàng thốt lên: “Tôi cho rằng tất cả người Việt Nam đều thông minh, giỏi!”.

Một lần anh xem ảnh đi trăng mật của 2 người bạn ở Angkor Wat, Hoàng nảy ra ý tưởng sẽ nghiền xương thành bột để dựng lên bức tường với các hình chạm khắc như ở Angkor.

Thoạt đầu, một gallery cùng đồng hành với anh trong việc thực hiện tác phẩm dự kiến sẽ ngốn khoảng 12.000USD. Sau do những khó khăn về tài chính, sự hợp tác đành dang dở.

Chính trong hai năm xoay xở các kiểu trước khi đến với Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa CDEF (thuộc Đại sứ quán Đan Mạch), Hoàng đã chín muồi hơn về ý tưởng và tác phẩm có hình hài như hiện nay: Một bức tường dầy dặn vuông vức làm bằng các khúc, đoạn, miếng… xương.

Theo anh như thế tác phẩm sẽ gần với sự thật, với nỗi đau của con người hơn. Các thứ xương được để nguyên dạng gắn lên các tấm ván và bắt vít vào khung sắt. Thế mà cũng tốn đến 6 tấn xương. Chủ yếu là thứ xương không nạc, có cả “đầu ra” từ các hiệu phở. Nếu bức tường đặc thì sẽ bất khả thực hiện vì lượng xương sẽ vào khoảng 25 tấn, quá nặng và quá đắt.

Tác giả và ê-kip mất 3 tháng liên tục để làm từng viên “gạch”, mất 5 ngày xây tường trong phòng triển lãm. Hai ngày để thiết kế ánh sáng.

Hoàng muốn một thứ ánh sáng không rõ mặt người. Thứ ánh sáng anh tạo ra hiệu quả đặc biệt vào ban ngày. Nó giống như người xem đang ở trong lòng đất với một vách xương.

Một hiệu quả khác đến từ mùi. Hôm khai mạc có người chép miệng, giá kể có tí mùi nữa thì hay phải biết. Ai ngờ về sau có thật. Theo giải thích của tác giả thì do phải bắt vít các tấm gạch xương vào khung nên xương bị thủng. Mùi từ tủy xương bị máy điều hòa hút ra.

Ít ngày sau khai mạc, tôi thăm Bức tường, mùi ở mức chịu được nhưng vẫn có khả năng làm cay mắt (cay thật chứ không phải là cay vì nước mắt). Và chắc hẳn không khán giả nào muốn ở lâu trong phòng triển lãm trừ những người tịt mũi.

Một bức tường bằng xương bò lợn… đã gây ấn tượng như vậy, sẽ ra sao nếu là xương người?! Ấy thế mà trong lịch sử tàn sát đồng loại của loài người, có những thứ tương tự như vậy đã và đang được dựng lên. Bức tường là loại tác phẩm không phải để ngắm nghía, chiêm ngưỡng, thán phục… mà để chiêm nghiệm, tự vấn.

Tác giả có mẹ người Việt, bố Campuchia và có 2 tên: Lê Huy Hoàng và Bôpha Xôrigia. Anh sinh ra ở Việt Nam. Hoàng lên 3, bố về Campuchia chiến đấu và từ đó Hoàng chỉ có thể thấy ông qua những hồi tưởng ngắn ngủi.

Năm 1982, mẹ Hoàng được Nhà nước cho sang Campuchia tìm thân nhân, gặp được bác của Hoàng, vốn là một nhạc công ở Phnôm Pênh, đã bị Pôl Pốt đập nát đôi bàn tay.

Nhưng đến nay thì họ nội của Hoàng ở Campuchia coi như thất lạc. Vợ Hoàng cũng có hoàn cảnh tương tự chồng. Nhưng những người họ hàng Campuchia của vợ vẫn không bù đắp được chỗ trống về tổ tông trong anh.

Anh vẫn ước ao có ngày được nhận họ nội. Hoàng từng có khoảng 3 năm về Campuchia chiến đấu rồi quay trở lại Việt Nam. Anh đến với mỹ thuật khá muộn và tốt nghiệp Cao học Hội họa tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam vào 2009.

Về những ký ức liên quan tới giai đoạn tang tóc của đất nước Campuchia, Hoàng diễn tả “không biết buồn, chỉ biết căm hờn”, “cố gắng học để về trả thù”... Nhưng giờ đây anh đã đủ bình tâm để coi đó là một loại may mắn khiến anh có một chất liệu lớn để làm việc.

Hoàng vừa làm hồ sơ tác phẩm để mong Bức tường xuất hiện tại một triển lãm nghệ thuật lớn ở Singapore. Tuy nhiên mong muốn lớn hơn của anh là được đưa Bức tường (kể cả bằng xe tải) sang bày tại Phnôm Pênh.

Hơn thế, Hoàng muốn làm một tác phẩm tương tự để có thể trưng bày vĩnh viễn ở Campuchia như một tượng đài.

Câu chuyện ban đầu chỉ mang tính cá nhân và gói gọn trong một đất nước vừa đi qua đau thương. Sau này tôi đã nghiên cứu sâu hơn, dựa vào thực tế lịch sử và thực tại trên thế giới, thấy rất nhiều nơi cũng tồn tại những nỗi đau tương tự, và tôi đã phát triển tác phẩm mang ý nghĩa toàn cầu hơn.

Trên thế giới cũng có những bức tường đã sụp đổ hoặc còn đang tồn tại ở dạng này hay dạng khác, chia cách các quốc gia, các cộng đồng, đã và đang chồng chất biết bao xương máu con người. Ngay trong mỗi nội tâm của con người cũng có những bức tường vô hình biến con người thành robot vô cảm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG