Với mục đích tạo điều kiện cho VĐV có cơ hội học đại học chính quy ngay trong thời gian huấn luyện và thi đấu đỉnh cao. Trung tâm thể thao Viettel phối hợp với trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội tổ chức lớp Đại học cho các tuyển thủ bóng đá đang thi đấu tại CLB Viettel. Trong số này có tuyển thủ Bùi Tiến Dũng và nhiều tuyển thủ quốc gia khác.
Ngoài ra, các vận động viên tại Viettel sau khi tốt nghiệp THPT sẽ có cơ hội được học Đại học chính quy do hai đơn vị này tổ chức. Các cầu thủ được xét tuyển vào Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội lần này sẽ được dựa trên tổng điểm của một trong 4 tổ hợp 2 môn ghi tại học bạ lớp 12 và thi môn Năng khiếu. Dự kiến lớp học đại học đầu tiên của các cầu thủ Viettel sẽ được khai giảng ngay trong năm 2020. Thời gian học diễn ra trong 4 năm/khóa. Các VĐV sẽ được miễn toàn bộ học phí do học ngành Sư phạm.
Theo quy định, các VĐV đã tốt nghiệp THPT và là thành viên các đội tuyển quốc gia, được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức sẽ được xét tuyển thẳng.
Ngoài Bùi Tiến Dũng, tại Viettel hiện có nhiều tuyển thủ khác đã tốt nghiệp THPT nhưng vì lý do tập luyện và thi đấu thường xuyên nên chưa có cơ hội để học Đại học: Nguyễn Đức Chiến, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Hoàng Đức v.v.
Được biết, Bùi Tiến Dũng gia nhập Viettel từ khi còn học cấp II. Vì phải thường xuyên tập luyện, việc học của Dũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Các thầy tại Trung tâm Viettel đã nhiều lần phải làm đơn xin hoãn và …xin học lại để Dũng kịp tốt nghiệp THPT. Hay như Quế Ngọc Hải, vốn là một học sinh có học lực khá, đã tốt nghiệp THPT tại Vinh (Nghệ An) nhưng quyết định chọn con đường thi đấu thể thao chuyên nghiệp nên giang dở chuyện học Đại học.
Đón nhận tin vui này, Bùi Tiến Dũng cho biết: “Không chỉ tôi mà nhiều đồng đội khác rất vui vì chúng tôi sẽ có cơ hội học hành bài bản. Tôi từng có ý định theo học tại trường ĐH TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng vẫn chưa sắp xếp được thời gian. Tôi cũng có dự định sẽ theo nghiệp huấn luyện và việc tốt nghiệp Đại học sẽ là bước đệm quan trọng để học tiếp các chứng chỉ huấn luyện khác. Hoặc nếu không, chúng tôi vẫn có điều kiện để theo đuổi ngành Sư phạm giáo dục thể chất. Hình thức vừa học vừa có thể tập luyện thi đấu như vậy cũng thuận lợi và giúp tiết kiệm thời gian”.