Buôn bán tạng: Vô nhân tính, cần nghiêm trị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 6/5 trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, nhu cầu nhận được tạng ghép rất lớn trong khi nguồn tạng hiến quá hiếm đã kéo theo vấn nạn buôn bán tạng.

TS Ngọc Thu bức xúc: “Buôn bán tạng là vô đạo đức là bóc lột sức khỏe của người yếu thế (bao gồm cả người bệnh tâm thần, người thiểu năng trí tuệ), người nghèo bằng đồng tiền. Hoạt động mua bán tạng đang bị các nhà đạo đức học trên toàn cầu kịch liệt phản đối. Những đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán tạng cần phải xử lý nghiêm với những hình thức răn đe đủ mạnh theo quy định của pháp luật” - TS Ngọc Thu nói.

Buôn bán tạng: Vô nhân tính, cần nghiêm trị ảnh 1

Nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính đang điều trị

Để người nhận và người hiến có thể hoàn thành được cuộc mổ lấy và ghép tạng thì theo quy định tất cả các giấy tờ thủ tục hiến tạng phải hợp pháp. Nhiều đối tượng đã dùng đủ các thủ đoạn tinh vi với các loại giấy tờ giả để qua mặt nhân viên y tế, giúp cho cuộc buôn bán tạng diễn ra thành công.

Vì thế ở các quốc gia đã đặt ra vấn đề trách nhiệm rất cao của nhân viên y tế khi xét duyệt những trường hợp hiến và ghép để ngăn chặn những vi phạm khi người cho tạng và người nhận tạng không cùng huyết thống hoặc không có quan hệ gia đình.

Xu hướng của toàn thế giới hiện nay là vận động hiến tạng trong cộng đồng để gia tăng nguồn tạng hiến nhưng không khuyến khích nguồn tạng từ người hiến sống mà chỉ tập trung vào người hiến đã chết não hoặc ngừng tim, một người có thể hiến nhiều bộ phận, cứu được nhiều người. Việc hạn chế nguồn tạng từ người cho sống nhằm mục đích tránh các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai khi người cho có thể bị suy tạng. Điều đó nếu xảy ra sẽ gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội khi người bệnh mất sức lao động, gia tăng các chi phí y tế.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay cả nước có 2.570 trường hợp đăng ký chờ ghép mô tạng. Số lượng người đăng ký với hy vọng nhận được tạng hiến mới chỉ là một phần trong số các bệnh nhân bị suy tạng. Thực tế, số người bị suy tạng giai đoạn cuối cần được ghép tạng để duy trì sự sống có thể cao hơn rất nhiều so với số liệu đã đăng ký. Cả nước đã thực hiện được gần 6.300 ca ghép mô tạng hiện đã vận động được hơn 46.000 người đăng ký hiến các bộ phận cơ thể sau khi qua đời hoặc chết não. Tuy nhiên, tạng hiến nhận được trên thực tế đang quá ít so với số người cần được ghép.

Ngoài danh sách những người tự nguyện đăng ký hiến tạng sau khi qua đời hoặc chết não, mỗi năm tại Việt Nam có rất nhiều người không may tử vong vì tai nạn giao thông. Đây hầu hết đều là những người trẻ, chức năng tạng của họ còn rất tốt nếu phát triển được hệ thống điều phối ghép tạng quốc gia thì sẽ không bị lãng phí đi những món quà vô giá của sự sống.

Theo TS Ngọc Thu, khi ghép tạng bất hợp pháp, cả người bán và người mua đều có nguy cơ đối mặt với những vấn đề về sức khỏe. Tâm lý của nhân viên y tế tiếp tay cho hoạt động trên là làm cho xong việc, do đó thời gian nằm viện của người bệnh sẽ bị rút ngắn, khi gặp tai biến, biến chứng họ sẽ không muốn xử lý.

TS Ngọc Thu cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống điều phối, quản lý người hiến tạng, hệ thống hồi sức cấp cứu trong phát hiện ra những người có tiềm năng hiến tạng và hồi sức, bảo quản mô tạng ở những người có tiềm năng hiến trên cả nước.

“Trong tương lai với nhận thức thay đổi theo chiều hướng tích cực, số lượng người hiến tạng sẽ tăng cao nếu xây dựng tốt hệ thống, chúng ta sẽ tăng được nguồn tạng hiến từ người hiến chết não hoặc ngừng tim, từ đó đáp ứng nhu cầu của người bệnh, từng bước kéo giảm một cách có hiệu quả tình trạng mua bán tạng bất hợp pháp”, TS Ngọc Thu nói.

MỚI - NÓNG