Cả làng vác đá xây dựng khu du lịch sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày này, người dân khắp nơi đổ về điểm du lịch sinh thái Hố Thác ở xã Bình Phú (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để ngâm mình trong dòng suối mát, tận hưởng thiên nhiên.
Cả làng vác đá xây dựng khu du lịch sinh thái ảnh 1
Người dân kè đường dẫn vào điểm du lịch sinh thái Hố Thác

Cả làng chung tay

Con đường dẫn vào Hố Thác những ngày đầu năm nườm nượp xe cộ từ sáng đến chiều, từ tụi trẻ con đến người già, ai cũng háo hức tới điểm du lịch mới mở. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho hay Hố Thác dài gần 3km, từ đỉnh hố giáp với xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước) đổ về tới xã Bình Phú. Bao lâu nay, thác nước tự nhiên này năm thì mười hoạ mới có người tới tắm, cây dại phủ kín lối mòn dẫn vào. Năm 2023, xã Bình Phú xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có mô hình du lịch sinh thái Hố Thác. Với nguồn kinh phí hơn 300 triệu đồng, địa phương xây dựng đường đi, cảnh quan cây xanh, chòi nghỉ, công trình vệ sinh… Khối lượng công việc thì nhiều mà chi phí có hạn, xã đã vận động người dân của 4 thôn Lý Trường, Linh Cang, Đức An, Phước Hà cùng chung sức. “Bà con tình nguyện được bao nhiêu người, bao nhiêu ngày cũng quý cả, không dám đòi hỏi nhiều. Nào ngờ vừa mở lời thì ai cũng gật đầu. Không chỉ thanh niên trai tráng mà các cụ già cũng hăng hái góp sức”, ông Hải kể.

Ngày này sang ngày khác, từng đoàn người từ các thôn liên tục đổ về Hố Thác cùng nhau lội suối mò từng hòn đá, rồi nối hàng chuyền nhau vác lên kè hai bên tuyến đường dẫn vào điểm du lịch. Nhóm khác lội dọc dòng suối vớt rác, dọn dẹp vệ sinh. Ai “có tay” thì xắn áo trồng hoa, trồng cây cảnh…. Bà Nguyễn Thị Phượng (thôn Đức An) cùng các chị em phụ nữ cũng lăn lộn mấy ngày trời ngoài khu Hố Thác. “Mỗi người chung một tay để quê hương sớm có điểm du lịch mới mẻ thì có chi mà nề hà. Thấy ai cũng nhiệt tình, hết người thôn này đến thôn khác tới “vào ca”, mình quên cả mệt”, bà Phượng cười.

Nhờ sự chung sức ấy, xã đã tiết kiệm được hàng trăm ngày công, bớt đi một phần kinh phí không nhỏ. Trong khoảng hai tháng trời, Hố Thác đìu hiu đã được gắn bảng “Điểm du lịch sinh thái Hố Thác kính chào quý khách”...

Hố Thác nằm sâu trong khu vực núi thuộc địa phận thôn Linh Cang, xã Bình Phú, cách UBND huyện Thăng Bình khoảng 15km về hướng Tây. Đúng như tên gọi, khu vực này vừa là thác nước kéo dài từ đỉnh núi xuống phía dưới với những hố nước nông sâu khác nhau. Từ điểm này có thể bao quát được cả không gian của hồ Phước Hà, và những cánh đồng lúa xanh bát ngát ở huyện Thăng Bình.

Vui như hội

Con đường dẫn vào Hố Thác bây giờ trải bê tông sạch đẹp, hai bên hoa nở vàng rực. Sau dãy bậc thang uốn lượn, mấy căn chòi còn óng màu sơn mới hiện ra. Từ trên cao, thác nước đổ xuống, chảy qua suối đá dưới những tán cây phủ bóng mát lành. Những chiếc sạp gỗ bắc qua suối, kê hai bên bờ mọc lên, làm nơi tụ họp cho du khách. Từ trước Tết đến nay, khu du lịch sinh thái Hố Thác hôm nào cũng đông nghẹt người, không đủ sạp để ngồi. Bãi để xe phía trước nườm nượp xe máy, ô tô từ các nơi đổ về. Anh Hồ Hữu Anh (36 tuổi, Đà Nẵng) cho hay rất thích trải nghiệm những điểm du lịch thân thiện với môi trường, dịp Tết anh lướt Facebook thấy điểm du lịch sinh thái Hố Thác mới lạ, hay hay nên đã rủ bạn bè tới cùng. “Nơi đây còn rất nguyên sơ, thác nước dài, cao và có nhiều khu để tắm mát. Mùa nắng rời thành phố về đây nghỉ ngơi thật sự lý tưởng”, anh hài lòng.

Dịp cuối tuần, những gia đình ở xa về thăm quê Bình Phú hầu hết đều kéo lên Hố Thác khiến nơi này càng đông vui hơn. “Ai mà ngờ được cái thác hồi xưa muốn vô phải lội bộ đường mòn rục chân, đi ít người còn sợ giờ lại thành điểm du lịch vui như hội thế này. Tôi không nghĩ có ngày con đường hiu quạnh bên hồ Phước Hà dẫn lên Hố Thác có ngày lại rầm rập xe cộ, rộn tiếng nói cười như vậy. Từ nay mỗi lần về quê tôi có thêm nơi để dẫn các con tới vui chơi, cũng có cái để tự hào với bạn bè khi giới thiệu về quê hương mình”, anh Nguyễn Tú (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) mừng vui.

Cả làng vác đá xây dựng khu du lịch sinh thái ảnh 2
Những chòi sạp tại Hố Thác tấp nập du khách. Ảnh: Thanh Trần

Đến Hố Thác, du khách còn có thể đến thăm di tích căn cứ huyện ủy Thăng Bình (giai đoạn 1964-1975), hiện là lịch sử cấp tỉnh. Những cánh rừng ở đây từng chở che cho bao thế hệ hoạt động cách mạng trong thời kỳ gian khó, các bậc cao niên ở đây cũng gom góp từng củ sắn củ khoai nuôi bộ đội.

Hố Thác đón khách, đồng nghĩa với các hộ dân xung quanh có thêm sinh kế. Bà con phục vụ ẩm thực, chòi sạp cho khách tới chơi với mức giá rất bình dân và thân thiện. Xã Bình Phú yêu cầu các hộ phải niêm yết giá, giữ gìn vệ sinh, phòng cháy chữa cháy nghiêm túc. “Chúng tôi mong muốn có thêm nhà đầu tư về đầu tư, phát triển và khai thác du lịch ở Hố Thác một cách chuyên nghiệp, bài bản. Hiện điểm du lịch sinh thái này đang rất hút khách, đem lại một luồng sinh khí mới cho quê hương”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG