Cà phê tăng giá, doanh nghiệp 'bấm bụng' chịu lỗ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo tiết lộ của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đang “bấm bụng” chịu lỗ khi cà phê tăng giá mạnh. Thậm chí có tình trạng đại lý thu mua cà phê vỡ nợ, bỏ trốn.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk (địa phương đang là “thủ phủ” cà phê của cả nước) cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Xu hướng tiêu dùng của thế giới cũng đang dịch chuyển dần sang Robusta. Điều này đồng nghĩa với việc cà phê Việt Nam càng rộng đường xuất khẩu. Tín hiệu vui này hiện hữu bằng việc nhiều đối tác đang đặt mua cà phê của Việt Nam tới tấp với số lượng lớn và sẵn sàng trả giá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại e dè, chưa nhận đơn hàng vì sợ rủi ro. Lý do, giá cà phê đang cao, thậm chí cao hơn giá xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang nợ đơn hàng cũ nên chưa nhận đơn hàng mới.

Cà phê tăng giá, doanh nghiệp 'bấm bụng' chịu lỗ ảnh 1

Nhân công phân loại cà phê.

“Không ít doanh nghiệp đang xoay xở đủ cách để trả nợ đơn đã ký trước đó. Việc gom hàng lúc này không dễ vì một thực tế đã tồn tại xưa nay: Cứ cà phê tăng giá, nông dân lại giữ hàng. Trong khi đó, mức giá hiện nay (trên 100.000 đồng/kg) đang rất tốt để nông dân bán hàng”, ông Dương chia sẻ.

Ông Dương tiết lộ, nhiều doanh nghiệp rót vốn cho nông dân (để đầu tư sản xuất) và cho các đại lý cấp dưới (gom hàng), nhưng nay chưa thu được cà phê. Có tình trạng đại lý thu mua cà phê ở Đắk Lắk bị vỡ nợ, bỏ trốn vì thua lỗ. Để có hàng giao cho đối tác, nhiều doanh nghiệp “bấm bụng” chịu lỗ, đẩy giá lên cao hơn giá xuất khẩu để gom được hàng. Để tránh rủi ro, thời điểm này, doanh nghiệp theo chính sách “ăn chắc mặc bền”, tức mua được hàng rồi mới nhận đơn chứ không bán trước giao hàng sau.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết thêm, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều nguy cơ (mất uy tín, thua lỗ, gom không được hàng cho đối tác), sau khi cà phê tăng giá. Không ít doanh nghiệp bị thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, theo ông Minh, đây là thời điểm các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng cà phê buộc phải phân chia lại lợi nhuận. Bởi lâu nay, tỉ lệ lợi nhuận của người nông dân rất thấp. Từ lâu, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã nghiên cứu, đưa ra nhận định, mức giá 3 USD/kg mới đảm bảo thu nhập đủ sống cho người trồng cà phê toàn cầu. Song lâu nay giá cà phê ở Việt Nam khá thấp (40.000-50.000 đồng/kg) và chỉ bắt đầu tăng trong vòng 2 năm trở lại đây. Do đó, mức giá hiện tại là lẽ công bằng để “buộc chân” nông dân với cây cà phê.

MỚI - NÓNG