Ca từ Trịnh Công Sơn quá khó nhớ?

Ca từ Trịnh Công Sơn quá khó nhớ?
TP - Nhạc Trịnh thuộc loại tương đối phổ cập. Nhưng hình như lời hát của Trịnh Công Sơn vẫn dễ gây nhầm lẫn với một số người hát chuyên nghiệp.

> Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn

Ánh Tuyết sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô với chương trình nhạc Trịnh riêng đầu tháng tư Ảnh: Thế Thục
Ánh Tuyết sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô với chương trình
nhạc Trịnh riêng đầu tháng tư. Ảnh: Thế Thục.

Ru tình là chương trình nhạc Trịnh thường niên có thương hiệu tại Hà Nội vào dịp 8-3. Nhân 10 năm ngày mất nhạc sĩ, chương trình tổ chức có vẻ hoành tráng hơn, hội tụ hầu hết các nữ ca sĩ hàng đầu thuộc nhiều thế hệ. Đại diện cho phái nam đêm 6-3 chỉ có Tấn Minh và Quang Hà.

Chương trình diễn ra ba đêm với danh sách ca sĩ không giống nhau. Đêm đầu có Ánh Tuyết, Cẩm Vân thì không có Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng. Hai đêm sau ngược lại.

Đêm 6-3 có vẻ được bố trí để thành đêm của Quang Hà. Anh hát đầu (liên khúc mở màn với Tấn Minh, Khánh Linh), hát giữa và hát cuối. Khi Quang Hà hát đơn, ông bầu của anh - cũng là người biên tập chương trình - xuống ghế khán giả ngồi, vỗ tay rõ to như kiểu để mồi. Hai bài của Quang Hà có vẻ cũng được đầu tư dàn dựng hơn. Nhưng chính vì nhấn nhá quá nhiều để tạo kịch tính mà Ca dao mẹ bị vụn, căng cứng không cần thiết.

Dù sao phần trình diễn của Quang Hà cũng khá chỉn chu, trừ việc nhầm lời đôi chút. Chẳng hạn “Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tuổi nhục chung thân”, anh chỉ nhầm mỗi “tuổi” thành “tủi”. Không riêng gì Quang Hà, nhiều ca sĩ khi hát bài này cũng hay nhầm chữ này. Còn “Một đời bỏ ngỏ đêm hồng…” trong Dấu chân địa đàng, anh hát thành “Một đời vò võ đêm hồng”.

Nếu Quang Hà mới chỉ nhầm lời thì Khánh Linh xem ra quên hẳn. Chỗ nào quên, cô lại hát nhỏ nhẻ đi. Có chỗ chắc do không kịp nhớ ra lời, dẫn đến trượt nhịp. Có đoạn lên tông, Khánh Linh hình như lại quên không hát, may cô song ca với Tấn Minh nên được anh đỡ cho. Nhưng một ca sĩ vốn cẩn thận như Tấn Minh cũng lộn lời bài Phôi pha.

Tên bài vẫn được giới thiệu là Này em có nhớ, nhưng toàn thấy Thanh Lam hát: “Này anh xin cứ phụ tôi… Này anh có biết loài người/ Này anh có nhớ gì tôi…” (tất cả chữ em trong bài hát đổi thành anh). Việc đổi ngôi cũng với cách hát mãnh liệt dường như lái bài hát sang một ý nghĩa khác. Nói chung danh hiệu hát khỏe nhất chương trình Thanh Lam quyết không nhường ai.

Tóm lại ca sĩ thế hệ trước có thể hát chân phương, không trưng trổ gì ghê gớm, nhưng ít nhất cũng tương đối đúng lời. Một trong vài ca sĩ giành được nhiều tràng pháo tay nhất trong chương trình là Cẩm Vân.

Chị cho hay 21 năm nay mới quay trở lại sân khấu cung Hữu Nghị Hà Nội. Cẩm Vân hát tròn trịa cảm xúc Sóng về đâu, Ru ta ngậm ngùi và đặc biệt khắc khoải với Xin cho tôi. Chị cũng tâm sự về quá trình gian nan xin cấp phép cho bài hát phản chiến này.

Ánh Tuyết cung cấp thêm chi tiết về Đường xa vạn dặm. Chị kể, nếu không có các nhạc sĩ trong nhóm Những Người Bạn kịp thời dập lửa thì bản nhạc của bài hát đã thành tro khi Trịnh Công Sơn mang ra đốt trước mộ mẹ. Bài hát ông viết tặng mẹ được Ánh Tuyết hát không nhạc đệm thêm một lần khiến không ít người nghe sụt sùi.

Kết thúc chương trình, đáng ra toàn bộ ca sĩ ra chào khán giả, cùng hát Nối vòng tay lớn nhưng thực tế chỉ còn hai người dẫn chương trình. Đương nhiên vì ca sĩ toàn sao nên không thể ở lại đến cuối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.