Các kỳ họp bất thường thể hiện tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống

TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các kỳ họp bất thường vừa qua đã thể hiện tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết.
Các kỳ họp bất thường thể hiện tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Sáng 14/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đồng tình với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, công tác chuẩn bị các kỳ họp rất tốt nên mang lại kết quả tốt, hoàn thành mọi nội dung đề ra. Công tác nhân sự đã bám sát các quy định của Đảng, của luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5); trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các nội dung được xem xét tại kỳ họp này

"Kỳ họp bất thường lần 2 thời gian ngắn nhưng thông qua các dự án luật, thể hiện sự cố gắng của các cơ quan, nhất là cơ quan thẩm tra, anh em làm việc cả thứ 7, chủ nhật, cả đêm", bà Nga cho hay.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng, vấn đề cần rút kinh nghiệm vẫn là khâu gửi tài liệu.

Là một trong các Uỷ ban tham gia rất nhiều nội dung trong các kỳ họp bất thường của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời gian để bố trí cho kỳ họp rất ngắn, trong khi khối lượng hồ sơ nhiều, gây áp lực cho các cơ quan thẩm tra, nhiều nội dung phức tạp, khó. Tuy nhiên Uỷ ban đã khắc phục khó khăn, phát huy trách nhiệm để hoàn thành công việc.

Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Tổng Thư ký Quốc hội kiên quyết hơn trong tiếp cận tài liệu. Ông cũng đề nghị các bộ, ngành cần có phản ứng chính sách linh hoạt và nghiên cứu thấu đáo, dự lường hết các tình huống để khi báo cáo ra có đủ các căn cứ để các cơ quan thẩm tra.

Ông ví dụ, báo cáo đánh giá tác động, lâu nay vẫn nói nhưng thường là chuẩn bị phương án nào thì ca ngợi tác động tích cực của phương án đó, nhưng phân tích không đầy đủ những hạn chế của phương án.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý bố trí đủ thời gian để thảo luận thấu đáo, kỹ hơn. Các phiên họp thời gian phải nhiều hơn, bàn cho thấu đáo, bàn những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau.

Các kỳ họp bất thường thể hiện tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các kỳ họp bất thường vừa qua đã thể hiện tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc không chỉ trong năm 2023 mà cho những năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc chuẩn bị “từ sớm, từ xa” các nội dung trình Quốc hội tại các kỳ họp không chỉ từ cơ quan của Quốc hội mà phải bắt đầu từ Chính phủ và các bộ, ngành; đến từ công tác phối hợp ngay từ đầu giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.

Rút kinh nghiệm từ việc chuẩn bị dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội nhận định, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn khoảng 1 tháng nữa là hết thời gian nhưng đến nay chưa có nhiều tín hiệu tích cực dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. “Đừng tổ chức lấy ý kiến cho có”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua để giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nghiên cứu sau mỗi kỳ họp sẽ có hội nghị triển khai tổ chức thực hiện các luật, nghị quyết đã ban hành.

Tin liên quan