Các thông tin đáng lưu ý về học liên thông lên đại học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tính đến hết năm học 2021 - 2022, số sinh viên học liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học là gần 108.600 người, trong đó nhiều nhất là ở ngành Giáo dục Mầm non, Tiểu học.

Thông tin được bà Nguyễn Thảo Hương, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đưa ra tại tọa đàm về đào tạo liên thông diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng ngày 18/12.

Các thông tin đáng lưu ý về học liên thông lên đại học ảnh 1

Bà Nguyễn Thảo Hương, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại tọa đàm (ảnh: TNTCC)

Theo bà Hương, cả nước có 134/243 trường đại học (trừ các trường khối an ninh, quốc phòng) có đào tạo liên thông. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông tương đối lớn.

Tính đến hết năm học 2021 - 2022, số sinh viên học liên thông là gần 108.600 người. Về ngành đào tạo, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học có đông người học liên thông nhất.

“Nguyên do là trước kia, hai ngành này chủ yếu được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong khi đó, Luật Giáo dục có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu với giáo viên mầm non tăng từ trung cấp lên cao đẳng, giáo viên tiểu học phải có bằng đại học. Vì vậy, số giáo viên đi học liên thông để lấy bằng đại học tăng so với trước kia”, bà Hương lý giải.

Tương tự, các ngành: Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược học, Điều dưỡng, Y khoa, Luật Kinh tế, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử cũng là những ngành có đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao trình độ, số lượng người có nhu cầu học lên đại học rất lớn.

Các thông tin đáng lưu ý về học liên thông lên đại học ảnh 2

Thống kê 10 ngành có quy mô liên thông nhiều nhất

Về hình thức, theo Vụ Giáo dục đại học, đào tạo liên thông hiện có hai hình thức chủ yếu là chính quy và vừa học vừa làm, có thể từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học hoặc giữa các đại học với nhau. Phương thức tuyển sinh phổ biến nhất là xét tuyển qua hồ sơ (39%); 23,4% sử dụng hình thức thi tuyển và 29,9% kết hợp thi tuyển và xét hồ sơ để tuyển sinh đầu vào.

Về phương thức tổ chức đào tạo, 53,2% cơ sở đào tạo tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng, 28,6% kết hợp tổ chức lớp liên thông chính quy riêng và lớp cùng sinh viên chính quy, 18,2% tổ chức cho sinh viên liên thông chính quy học cùng lớp với sinh viên chính quy.

Đối với đào tạo liên thông vừa làm vừa học, có 41,3% số cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học theo hình thức xét tuyển, 28% tổ chức theo hình thức thi tuyển và 28,9% tổ chức theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Đa số các lớp liên thông vừa làm, vừa học, tổ chức vào cuối tuần để thuận lợi cho người học hoặc kết hợp buổi tối và cuối tuần.

Nhu cầu học liên thông lớn nhưng theo bà Hương, khó khăn lớn nhất với các trường đào tạo liên thông hiện nay là bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh. Theo quy định, chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ở mỗi trường không được vượt quá 20% chỉ tiêu đại học chính quy. Điều này khiến nhiều trường muốn giảm chỉ tiêu chính quy để nhận thêm sinh viên liên thông cũng không được.

Mặt khác, việc đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học thiếu các tiêu chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ trong một ngành, nghề và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho chuẩn đầu ra.

MỚI - NÓNG