Ban đầu, Nguyễn Thanh Tuấn học ngành Kế toán, trường CĐ Kinh tế TP. HCM nhưng anh rẽ hướng sang công việc chăm sóc khách hàng tại một công ty công nghệ và từng là nhân viên trực tổng đài. Công việc này giúp anh có cơ hội được nghe những câu chuyện từ các bạn trẻ chia sẻ về sở thích xê dịch. Từ đây, Tuấn đặt mục tiêu đặt chân đến những vùng đất mới - những nơi mà trước giờ mình chỉ nhìn thấy trên bản đồ.
Nguyễn Thanh Tuấn với đam mê du lịch 'bụi'. |
Năm 2018, Tuấn bắt đầu đam mê du lịch, cho đến hiện tại, anh chàng đã đặt chân đến 63 tỉnh, thành ở khắp Việt Nam và đi qua hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến: Tây Bắc, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Thuận, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Malaysia… Mỗi điểm đến mang lại những trải nghiệm khác nhau. Đó cũng là những địa danh khiến Tuấn ấn tượng, yêu thích và muốn trở lại nhất.
Vẻ đẹp Cổ Thạch, Bình Thuận qua góc máy của Tuấn |
“Đi nhiều nơi, mình tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống, lắng nghe những câu chuyện của người dân bản địa. Với mình, cảnh đẹp Việt Nam nhiều lắm, mỗi ngày sẽ có thêm địa điểm mới, những nơi cũ thì đi không xuể nên có khám phá cả đời cũng chẳng hết. Du lịch Việt Nam rất tuyệt, bạn không sợ bất đồng ngôn ngữ, chi phí ăn uống đi lại rẻ, thuận tiện và đặc biệt con người nước mình cực thân thiện”, Tuấn hào hứng chia sẻ.
Bản Tả Van, Sa Pa, Lào Cai. |
Xuất phát điểm của một nhân viên văn phòng, mê du lịch, Thanh Tuấn một lần nữa chạm ngã rẽ với công việc nhiếp ảnh tự do để duy trì tài chính, đồng thời, thỏa mãn đam mê kể chuyện qua hình ảnh bằng những chuyến đi.
Do lịch trình làm việc, mỗi chuyến đi ngắn ngày của Tuấn kéo dài từ 4 - 6 ngày. khám phá 2 - 3 tỉnh, còn các nước láng giềng thì một năm sẽ thực hiện 3 chuyến du lịch vào dịp các lễ hội. Chuyến đi dài nhất của Tuấn cắm trại xuyên Việt 20 ngày vào mùa Hè 2022 vừa rồi, bắt đầu từ TP. HCM, đến cột mốc Trà Cổ - Móng Cái bằng xe máy. Một hành trình giúp Tuấn trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, con người ở các tỉnh Tây, Đông Bắc… đen lại nhiều cảm xúc khó quên.
“Mình thường rủ thêm người bạn thân đồng hành, cùng trải nghiệm du lịch 'bụi' trong khoản chi phí phù hợp với cả hai. Mình thường chọn di chuyển bằng xe máy, thưởng thức ẩm thực tại địa phương để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, mỗi khi có ý định khám phá vùng đất mới, bạn đồng hành sẽ tự chọn và không có báo trước. Chính vì vậy, hầu như mình không có bất cứ sự chuẩn bị hay hình dung nào về góc chụp, tất cả đều đến tự nhiên, chân thật nhất”, Tuấn cho biết.
Sau thời gian dài rong ruổi trên nhiều cung đường, Nguyễn Thanh Tuấn cảm thấy mình cần một khoảng nghỉ để bản thân tìm chút bình yên, lo cho gia đình và lập kế hoạch cho những chuyến đi mới. Theo anh, đi đây đi đó, vẫn không bằng cái nắng gió quê hương. Chính vì vậy, Tuấn tạm gác công việc, trở về quê Trà Vinh “ở ẩn” một tháng.
“Trước đây, mình hay lựa chọn những nơi hoang sơ, nhiều cây cối, phong cảnh đẹp để cắm trại, nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng. Nhưng lần này, mình sống thử… ở quê một tháng, xem coi có chán không? Quê mình dân cư còn thưa thớt. Phần lớn người trẻ đã đi làm ăn xa, còn rất ít người bám trụ với nghề nông. Tuy việc ruộng vườn vất vả nhưng mình thấy mọi người đều có tinh thần thoải mái, vui vẻ. Căn nhà mình lọt thỏm giữa vườn dừa, đồng lúa, cây cối xanh tốt. Xóm nghèo chỉ có vậy thôi, nhẹ nhàng, mộc mạc, bình yên”, Tuấn nói.
Có lẽ, người ta thường hấp dẫn bởi sự hào nhoáng của đô thị, nhưng chỉ thật sự thấy lòng an yên khi trở về với quê nhà. Cũng theo Tuấn, ở quê mọi thứ đều bình dị, đơn giản, nên chi phí sinh hoạt cũng đỡ tốn kém hơn so với ở thành phố. Chợ quê toàn là những thứ bà con tự nuôi trồng, đánh bắt nên có giá rất rẻ. Mỗi nhà cũng đều có mảnh vườn, ao nước, có thể tự trồng rau, bắt cá thiên nhiên…
Về quan điểm phải có tiền, thậm chí là nhiều tiền mới có thể về quê trồng rau nuôi cá, sống bình yên, Tuấn tâm sự: “Mỗi người đều có sở thích, công việc và một cuộc sống riêng. Nếu thực sự thích cuộc sống như vậy mình có thể chịu khó học hỏi, tìm cách thích nghi, miễn sao mình vui vẻ. Nếu như các năm trước, tháng nào, mình cũng đi chơi thì năm nay ít đi hơn, dồn số ngày nghỉ và tiền tiết kiệm được để về quê sống thử. Nhưng dù ở đâu cũng vậy, không có gì là dễ dàng cả. Mọi người ai cũng phải tích cực làm việc, tiết kiệm cho gia đình, bản thân và cho cuộc sống sau này".
Cũng theo Thanh Tuấn, người trẻ nếu muốn đi theo đam mê travel blogger thì tài chính, kiến thức là bước đệm đầu tiên. Hơn hết, điều cần thiết nhất vẫn là bạn quyết tâm theo đuổi hết mình và sự ủng hộ của gia đình, người thân, để được sự hỗ trợ của cộng đồng, bạn bè. Từ đó, bạn mới có những chuyến xê dịch nhẹ nhõm, dễ dàng và có thêm những kỷ niệm đắt giá.
Từng được đặt chân đến nhiều nơi, chàng travel blogger 8X luôn nhìn nhận du lịch gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường. Vì thế, anh luôn chuẩn bị bịch đựng rác để không phải xả rác ra môi trường trên mỗi chuyến đi. Như câu nói mà anh vẫn thường hay nhắc: “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Mục tiêu tiếp theo của Tuấn là chinh phục vùng đất mới, tiếp tục làm đầy thêm dấu mốc hơn 100 chuyến đi 'bũi cùng gia tài 1.000 bức ảnh chụp khắp 63 tỉnh, thành Việt Nam mà anh từng trải nghiệm.
Một số cảnh đẹp qua góc máy ảnh của Tuấn: