Cái đáng hưởng nhất lại bí mật nhất!

Cái đáng hưởng nhất lại bí mật nhất!
Người nào thưởng thức được cuộc sống một cách sâu thẳm, người ấy sẽ đi vào một thế giới huyền bí không có chữ viết, không có ngôn ngữ, không có âm thanh, không có tiếng nói. Rất thú vị!

Để đầu óc của mình thật sâu, thật sắc sảo, thật minh mẫn và hưởng lợi ích từ sự sâu thẳm và sắc sảo này, quí vị phải tập thông cảm và phát triển tình yêu vô điều kiện. Đây không phải là loại tình yêu chiếm hữu để thỏa mãn, chẳng hạn thỏa mãn lời nói, nụ cười, cảm xúc, cảm giác, sự khoe khoang… Nó là một loại tình yêu, tình thương mà chúng ta không nói được, không có chữ gì để đặt tên cho nó. Đó là cái đáng hưởng nhất. Tất cả chúng ta đều xứng đáng và đều có khả năng hưởng nó.

Người ta yêu mình, mình yêu lại; người ta thương mình, mình thương lại; người ta quý mình, mình quý lại. Đó là chuyện rất bình thường. Trong sự thương qua thương lại đó, mình cũng thưởng thức được niềm vui. Nhưng nếu người ta ghét mình, thù mình, trù ém mình mà mình thương được người ta, lúc ấy quí vị mới thấy “đã” như thế nào. Nó sâu sắc vô cùng. Quí vị sẽ cảm thấy làm người thật tuyệt diệu!

Cái “đã” này không thể viết thành thơ, không thể sáng tác thành nhạc, không thể viết thành tiểu thuyết được. Nó làm cho quí vị câm lặng luôn. Bởi vì câm lặng là sống, là nhai, là nuốt, là hòa tan. Anh còn nói được thì anh là người nói, chứ không phải là người sống.

Lúc mình câm là lúc mình hòa vào trong một chân lý vĩ đại, hòa vào sự nhiệm màu vĩ đại của trời đất, của tạo hóa. Lúc ấy, quí vị sống thực sự, là thượng đế thực sự, là tạo hóa thực sự, là năng lực nhiệm màu thực sự. Lúc nó đi sâu vào như vậy, làm sao làm thơ, làm sao sáng tác nhạc, làm sao viết văn…?

Đa số con người chưa bao giờ có cơ hội biết được giá trị tuyệt đối của cuộc đời, bởi vì nó không được trình bày trong bất cứ một thứ sách vở nào. Nó mãi mãi là bí mật đối với con người. Nó chỉ dành cho người thực sự muốn sống, không dành cho người muốn giải quyết, hay thỏa mãn tâm lý của mình. Làm người mà không hưởng được điều quý giá này quả thật đáng tiếc lắm!

(Nội dung được biên tập từ Audio “Ba chân lý” – 16/04/2011) do nhà Xuất bản VHTT và Công ty CPĐT Giáo dục Minh Triết phát hành

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bình luận