Cái duyên với báo Đoàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi Hoa Học Trò ra mắt bạn đọc năm 1991, tôi đang học lớp 11 THPT. Không chỉ đón đọc say mê từng số báo, tôi còn “đánh bạo” viết bài gửi cộng tác và háo hức chờ ngày báo ra, lật kĩ từng trang xem bài của mình có được đăng hay không. Kết quả là lần nào cũng chỉ thấy tên mình xuất hiện trong mục… Hộp thư!

Năm 1996, khi tìm nơi thực tập, chuẩn bị tốt nghiệp đại học Báo chí (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), bằng một sự tình cờ, tôi được “đầu quân” làm việc tại Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ (TPHCM) tại Hà Nội. Gọi là tình cờ vì người “mai mối” giúp tôi khi đó lại là một nhà báo của báo Tiền Phong - anh Lê Xuân Sơn, người sau này trở thành Tổng Biên tập Tiền Phong, cũng chính là sếp Tổng của tôi bây giờ. Anh bảo, chỗ đó - nơi một người bạn của anh phụ trách - đang rất thiếu người, về thì sẽ có nhiều “đất diễn” và có nhiều thứ để học. Tuổi Trẻ khi đó đã là tờ báo hàng đầu, tin bài “phủ sóng” toàn quốc, tuy nhiên, ở Hà Nội, người ta hầu như lại chỉ nghe và biết đến Tuổi Trẻ Cười. Và quả đúng như vậy, tôi đã được lăn lộn sớm và trải nghiệm nhiều hơn bất cứ phóng viên thực tập nào cùng thời khi đó…

Cái duyên với báo Đoàn ảnh 1

Một buổi sinh hoạt chuyên môn tại Ban Sinh Viên Việt Nam, hè năm 2006. Trong ảnh, tác giả ngồi giữa. Ảnh: Tư liệu

Thực tập xong thì tôi tiếp tục cộng tác và được tuyển dụng vào làm phóng viên tập sự tại báo Tuổi Trẻ. Năm 1998, khi T.Ư Đoàn quyết định thành lập báo Sinh Viên Việt Nam và tách ấn phẩm Hoa Học Trò từ báo Thiếu Niên Tiền Phong, nhập về tờ báo mới thành lập này, chính tôi là người viết tin sớm nhất (đăng trên Tuổi Trẻ).

Thế rồi, năm 1999, tôi chủ động rời Tuổi Trẻ sau một sự cố của Trưởng đại diện Văn phòng. “Gap year” chừng hơn năm, tôi được anh Lê Thanh Hà, khi đó nhận điều động từ Huế ra Hà Nội làm Thư kí Tòa soạn Hoa Học Trò mời về phụ trách trang Tuyển sinh của báo Hoa, đồng thời cũng viết cho tờ báo non trẻ Sinh Viên Việt Nam, vốn có tia-ra rất khá. Thật bất ngờ, tờ báo mơ ước của tôi năm nào, giờ đã trở thành nơi tôi gắn bó, nói không ngoa là lắm hôm ở tòa soạn còn nhiều hơn ở nhà.

Về chuyên môn, đang từ phóng viên của tờ báo thời sự chính trị - xã hội rất “gai góc”, kì ra cách nhật, tôi lại phải dần quen với việc làm báo nhịp chậm (ra hằng tuần) cho tuổi teen và giới trẻ học đường. Tôi còn nhớ, hồi đó, tuyển sinh đại học năm nào cũng rất “nóng”, trước kì thi vài tháng, Bộ GD&ĐT thường có văn bản, khẳng định “đề thi không được ra lắt léo, mang tính đánh đố; không được ra vào những phần đã cắt bỏ hoặc giảm tải”… Thế mà, bằng quan hệ sẵn có bên Bộ, tôi lại “vớ” được tập tài liệu về “chương trình cắt bỏ, giảm tải” ấy, cũng tức là những kiến thức sẽ không được phép nằm trong đề thi đại học (lưu ý là hồi đó, Internet mới manh nha, thông tin chưa dễ nắm bắt như bây giờ). Mỗi số Hoa Học Trò, tôi lựa một đoạn, viết thêm cái sa-pô thật “kêu”, là đủ “mời gọi” kha khá học sinh cuối cấp mua báo… Kỷ niệm với Sinh Viên Việt Nam cũng nhiều, nhưng tôi nhớ nhất một dạo, quá mải mê với những chuyên mục như “Hội bút kinh tế trẻ”… báo bị “chê” hàn lâm/kinh viện quá, thế là mấy đứa chúng tôi phải chia nhau xuống các trường, “lê la” vào tận bếp ăn, căng tin, thậm chí cả toa-lét kí túc xá… để nắm thực tế đời sống sinh viên. Loạt phóng sự trong đó có bài tôi viết kí bút danh “Lao Công” khi đó là điển hình cho “style” báo chí học đường của “nhà số 5” (Tòa soạn số 5 Hòa Mã, Hà Nội): vừa “chính trị” nhưng cũng phải vừa trẻ trung, hấp dẫn và hòa nhịp đời sống giới trẻ…

Cái duyên với báo Đoàn ảnh 2

PV Kiều Hải tác nghiệp tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đưa tin về Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành quần chúng kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, sáng ngày 2/9/2005. Ảnh: Bùi Tuấn

Thời gian thấm thoắt. Ngày 19/2/2020, báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò một lần nữa lại sang trang, chính thức sáp nhập vào báo Tiền Phong, theo quyết định của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Đây là quyết định mang tính lịch sử, khép lại 22 năm hoạt động của Báo (từ 1998) - với tư cách một cơ quan báo chí độc lập của Đoàn, trong đó có ấn phẩm báo in Sinh Viên Việt Nam, diễn đàn của Hội Sinh viên Việt Nam - để chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan mới. Kể từ tháng 4/2020, “tờ báo có bề dày truyền thống, có thương hiệu và chỗ đứng trong lòng độc giả, đặc biệt là trong sinh viên Việt Nam, một đối tượng quan trọng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi” - như ghi nhận của anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn năm đó - đã tiếp tục đồng hành với bạn đọc trong “hình hài” mới: svvn.tienphong.vn (chuyên trang của báo Tiền Phong). Là người đưa tin ngày thành lập Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò, rồi cũng chính tôi là người viết những dòng “Cùng bạn đọc”, trên tờ báo in Sinh Viên Việt Nam số cuối cùng - số 10 (2020), nói lời chào tạm biệt. Đó quả là một cái duyên đáng nhớ!

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …