Cán bộ sợ sai, không dám làm đã lan rộng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại biểu Quốc hội cảnh báo, tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm giờ đã lan sang cả khu vực tư. Trong đó, có một số doanh nghiệp thẩm định không làm, không tham gia đầu tư công vì sợ “rắc rối”. “Nếu tiếp tục để “căn bệnh” này lây lan sẽ gây nguy hại rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu ý kiến.

“Đá qua, đá lại” khiến kinh tế đình đốn

Không ngạc nhiên khi tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm là chủ đề được nhiều tổ Quốc hội thảo luận khi cho ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, sáng 25/5. Điều đáng nói được các đại biểu nêu, là thực trạng này đã xuất hiện từ cách đây mấy năm, tiếp tục có chiều hướng gia tăng nhưng chưa thấy có giải pháp căn cơ để giải quyết. “Chính phủ cần tổ chức cuộc khảo sát sâu rộng, toàn diện để làm rõ nguyên nhân vì sao cán bộ lại sợ sai, né tránh trách nhiệm; từ đó có giải pháp căn cơ để cán bộ an tâm thực thi công vụ”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu ý kiến.

“Quốc hội cần có một nghị quyết cho phép những cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ; cho phép cán bộ quyết định những việc mang lại kết quả tốt hơn cho lợi ích chung. Chỉ như vậy mới khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những ràng buộc, rào cản của quy định. Người dám làm vì mục đích chung thì không bị kết vào sai phạm, vi phạm pháp luật” ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cảnh báo, tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm giờ đã lan sang cả khu vực tư. Theo đó, có một số doanh nghiệp thẩm định không làm, không tham gia đầu tư công vì sợ “rắc rối”. “Thẩm định giá không khéo có thể hôm nay không sao nhưng hôm sau đi tù nên tốt nhất là tránh, mời cũng không làm”, ông Công cho biết, đồng thời cảnh báo, nếu tiếp tục để “căn bệnh” này lây lan sẽ gây nguy hại rất lớn cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. “Rất nhiều việc cấp dưới hỏi cấp trên, cấp trên bảo làm theo quy định, cứ thế quả bóng đá qua, đá lại, ở giữa thì đình đốn kinh tế, việc không thông, cơ hội mất đi, kéo dài không giải quyết được. Tình trạng này đã khiến một thành phố đầu tàu, tăng trưởng thấp, “thảm hại”. Vì vậy cần có giải pháp tháo gỡ để nền kinh tế phát triển”, ông Công kiến nghị.

Nguyên nhân của tình hình kinh tế “ảm đạm”, bên cạnh sự tác động của dịch COVID-19 và thế giới thì quan trọng nhất là chất lượng thể chế và cán bộ. “Có dự án, ông chủ tịch nhiệm kỳ này ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác thấy doanh nghiệp ngứa mắt, thu hồi lại dự án. Trong khi doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm tỷ vào dự án, rồi trả lãi ngân hàng, thế là họ chết. Chúng ta không trị những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói.

Từ thực tiễn, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, (Lai Châu) cho biết, việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế vẫn rất hạn chế. Ông Khánh dẫn chứng, việc khai thác cát cho các công trình hạ tầng liên quan tới nhiều luật và phải thực hiện đấu thầu, rất chậm trễ, có khi hơn một năm mới xong. “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ TN&MT nhưng hiện nay còn đang nghiên cứu”, ông Khánh thông tin. Theo ông, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, vấn đề không phải do thiếu quy định mà liên quan chế độ, chính sách và trách nhiệm. “Ai không làm được đứng sang một bên là quan điểm rất đúng. Nhưng đứng sang bên nào, đứng chỗ nào lại là câu chuyện”, ông Khánh nêu, và cho rằng, vấn đề này một nghị định của Chính phủ sẽ không thể giải quyết toàn diện.

Ở đâu người đứng đầu dám làm thì ở đó sẽ phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế. Do đó, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính. “Đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát luôn ở địa phương mình, để các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế”, ông Dũng nói.

Cán bộ sợ sai, không dám làm đã lan rộng ảnh 1

Đại biểu thảo luận tại tổ. ảnh: Như Ý

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. "Chúng ta không thể bênh, bao che các biểu hiện này trong bối cảnh đất nước đang khó khăn. Tình trạng trên làm cản trở phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước”, bà Trà nói. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm, nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, bà Trà cho biết, hệ thống chính sách có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên quá trình thực thi công vụ cũng sẽ có khó khăn, rào cản, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đầu tư, tài chính, ngân sách, đầu tư công, phát triển doanh nghiệp. Do đó, cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất... "Chúng tôi đang tập trung rất cao, tham mưu cho Chính phủ để ban hành Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên việc này cần có Nghị quyết của Quốc hội, nếu không không thể “xé rào, vượt rào” được”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết cán bộ, công chức phải vượt lên khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ, bà Trà cho biết, ở đâu có người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm thì ở đó phát triển; ở đâu cán bộ năng động, dám làm thì ở đó giải ngân vốn đầu tư công rất tốt. “Phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là “không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa”. Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng công vụ, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức”, bà Trà nói.

MỚI - NÓNG