Cần cởi bỏ 'vòng kim cô' an ninh lương thực cho ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cần có tư duy mới về vấn đề an ninh lương thực, cởi bỏ "vòng kim cô" bảo đảm an ninh lương thực để Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lực phát triển.

Ngày 12/12, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM).

Trình bày nội dung báo cáo, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - cho biết, 5 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế của ĐBSCL không thay đổi. Vùng đang đối mặt nhiều nút thắt then chốt, nếu không tháo gỡ thì 10 năm nữa sẽ không có gì thay đổi.

Cần cởi bỏ 'vòng kim cô' an ninh lương thực cho ĐBSCL ảnh 1

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Trường Phong.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ĐBSCL ở mức thấp nhất cả nước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của vùng cũng đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Việc này dẫn đến thiếu nguồn lực nội sinh, khiến giới trẻ đi tìm cơ hội ở nơi khác, trong khi những người ở lại thiếu việc làm, thất nghiệp. Mức thu nhập bình quân ở ĐBSCL luôn thấp hơn mức bình quân cả nước, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sắp bắt kịp.

Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của vùng ĐBSCL đã bắt đầu thấp hơn mức trung bình cả nước. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, đáng lẽ, với tình trạng khó khăn về thu hút đầu tư, khó khăn về phát triển doanh nghiệp, môi trường kinh doanh các địa phương trong vùng phải tốt để thu hút đầu tư, nhưng PCI kém dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hơn...

Kết quả báo cáo nêu, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chủ đạo, là nơi sản xuất lương thực thực phẩm lớn, đóng góp quan trọng vào kinh tế cả nước, tuy nhiên, khu vực này lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Sự tương phản đó cho thấy, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề hành trình phát triển của đất nước.

Trong một số khuyến nghị mà báo cáo kinh tế đưa ra, theo ông Vũ Thành Tự Anh, cần sửa đổi Luật Đất đai; có tư duy mới về vấn đề an ninh lương thực, cần cởi bỏ "vòng kim cô" bảo đảm an ninh lương thực của ĐBSCL.

Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, hiện nay, chúng ta đang chú trọng đến an ninh lương thực, quan tâm đến sản lượng lúa gạo trong thời gian dài, dẫn tới nhiều hệ luỵ nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường nước, suy thoái chất lượng đất và biến đổi hệ sinh thái ĐBSCL, tạo ra chính sách cản trở tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết, dù có thể gây tranh cãi, báo cáo khuyến nghị giảm bớt diện tích đất trồng lúa. Theo ông, hiện nay, đất nước không phải đối diện với việc thiếu lương thực; xu hướng tiêu dùng chuyển sang chất lượng hơn số lượng; cần tập trung vào đề án phát triển diện tích lúa chất lượng cao.

"Báo cáo khuyến nghị nên chủ động giảm diện tích trồng lúa. Chúng tôi không nói là hy sinh ngành lúa gạo, đừng hiểu nhầm như vậy. Theo khuyến nghị, diện tích lúa chất lượng cao sẽ được mở rộng, diện tích lúa gạo chất lượng thấp sẽ phải thu hẹp lại", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Ông Vũ Thành Tự Anh cũng đề cập vấn đề quản trị và quản lý tài nguyên nước. Việc cần làm là tôn trọng quy luật tự nhiên, coi nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là nguồn tài nguyên quý giá, hạn chế đến mức tối đa các giải pháp công trình can thiệp thô bạo tới tự nhiên.

Báo cáo cũng khuyến nghị thành lập các tổ chức lưu vực sông theo Luật Tài nguyên nước sửa đổi với năng lực pháp lý, nhân lực và tài chính đủ để thực hiện chức năng điều phối, quản lý vận hành và thực thi các quy định nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

"Để giải quyết thách thức chung của toàn Vùng ĐBSCL, nhất thiết phải có một cơ chế điều phối vùng thật sự hiệu lực và hiệu quả. Trong dài hạn, lý tưởng nhất là có một chính quyền cấp vùng cho ĐBSCL, có thẩm quyền về tài khoá, quy hoạch và nhân sự. Khi ấy, chính quyền vùng sẽ ở vị trí và có động cơ theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng chứ không bị chi phối bởi lợi ích có tính cục bộ của từng địa phương...", báo cáo nêu.

MỚI - NÓNG