Chia sẻ tại một hội thảo hướng nghiệp cho học sinh trung học do Đại học RMIT tổ chức mới đây, Giảng viên khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long cho biết: “Khi nhắc đến các ngành nghề sáng tạo, nhiều bạn học sinh có thể còn hoang mang bởi định nghĩa rộng lớn của lĩnh vực này, còn nhiều phụ huynh sẽ lo lắng về cơ hội nghề nghiệp có vẻ không chắc chắn cho con em mình”.
“Tuy nhiên, công việc sáng tạo gần gũi với cuộc sống thực tế hơn chúng ta nghĩ và nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cho mảng này luôn cao”, Tiến sĩ Long nhận định.
Đạo diễn Trần Thanh Huy, cha đẻ của bộ phim điện ảnh Ròm, đồng tình rằng làm công việc sáng tạo không đồng nghĩa với việc trí óc “luôn ở trên mây”. Ông cho rằng đây là một ngành rất thực tế và đòi hỏi người theo đuổi phải có nền tảng kỹ thuật tốt.
Lấy ví dụ từ quá trình làm phim Ròm, đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ rằng ông đã phải lặn lội ra nước ngoài tìm nhân sự vì trong nước không đáp ứng được nhu cầu.
“Tôi phải sang Malaysia để tìm người chỉ đạo mỹ thuật và sang Thái Lan để tìm người dựng phim. Kỹ sư âm thanh thì tôi phải kết nối với chuyên gia bên Pháp. Việt Nam không thiếu người làm các công việc này nhưng chuyên gia hàng đầu thì rất hiếm”.
Theo đạo diễn Trần Thanh Huy, sáng tạo trong nền Công nghiệp 4.0 gắn liền với các sản phẩm nghe nhìn và khả năng kể truyện qua hình ảnh và âm thanh. Yếu tố kỹ thuật rất quan trọng, nên nhân sự có kỹ năng ứng dụng các công nghệ và phần mềm hiện đại nhất sẽ được săn đón.
“Đam mê là cần thiết. Nhận thức xã hội là cần thiết. Nhưng để làm được một bộ phim bạn sẽ cần thông thuộc các phần mềm về hình ảnh, âm thanh, viết kịch bản, v.v. Những thứ đó không thuộc về sáng tạo mà là kỹ thuật, và kỹ thuật đó cần được đào tạo bài bản”, đạo diễn phim Ròm nhấn mạnh.
Cũng tham gia hội thảo hướng nghiệp của RMIT trong vai trò diễn giả khách mời, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn truyền thông kỹ thuật số ClickMedia bà Nguyễn Thị Hải Hà thì cho rằng: “Cốt lõi của sáng tạo là để tạo ra các giải pháp cho cuộc sống, và ngành nghề nào cũng cần sự sáng tạo”.
Trải qua 16 năm đi làm, trong đó có nhiều năm đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ClickMedia (hiện là thành viên của tập đoàn truyền thông quảng cáo lớn nhất thế giới - WPP), bà nhận thấy tò mò là đức tính quan trọng đối với người làm nghề sáng tạo.
“Trí tò mò khiến bạn luôn trăn trở liệu ngoài kia đang có gì để khám phá hay có gì mình có thể làm tốt hơn. Trong suốt 16 năm đi làm đến giờ, chính sự tò mò đã khiến tôi không ngừng học hỏi để có thể trụ vững trong ngành”, bà chia sẻ.
“Tiếp đến, cần có sự bền chí và nhẫn nại để không bỏ cuộc trước khó khăn. Tính khiêm tốn cũng vô cùng cần thiết, bởi người làm nghề sáng tạo thường có cái tôi rất lớn nhưng thường họ phải vượt qua điều đó.
Tôi cho rằng chân của người làm nghề sáng tạo phải đứng thật vững chãi trên mặt đất, nhưng trí óc thì có thể ‘bay bổng’”, Giám đốc điều hành ClickMedia ví von.
Các diễn giả tại Ngày trải nghiệm trực tuyến của RMIT đã đưa ra lời khuyên định hướng cho những học sinh trung học quan tâm tới công việc trong ngành sáng tạo.