Lý Viết Trường là người dân tộc Nùng (Lạng Sơn), hiện đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Dân tộc học tại trường ĐH Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc). Tâm sự về con đường đến với vlog, anh Trường thích thú: “Trước đây, mình cũng làm rồi, nhưng chưa thật sự đúng kiểu làm vlog. Từ khi về nghỉ Tết, mình mới bắt đầu xem và học cách làm”.
Ý tưởng xây dựng kênh vlog đã được anh Trường ấp ủ từ lâu, theo chân anh trong những chuyến rong ruổi: “Mình ấp ủ ý tưởng quảng bá văn hóa các dân tộc Tày - Nùng qua vlog lâu rồi. Vì làm nghiên cứu khoa học phải đi nhiều, mà trên đường đi như thế có nhiều chuyện hay, có thể chia sẻ cho nhiều người cùng biết. Hơn nữa, mình còn có thể đưa nghiên cứu đến gần hơn với cộng đồng”.
Anh Trường mong muốn, đây là nơi chia sẻ những kiến thức về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của các tộc người Tày - Nùng. Những câu chuyện văn hóa như: Xây nhà, giỗ chạp, cưới xin, ca hát… của đồng bào đều được anh thể hiện sinh động trong từng video.
Cái tên “Cần Lầu vlog” cũng có thật nhiều ý nghĩa văn hóa. Anh Trường lý giải, trong từ "Cần lầu", "cần" có nghĩa là người, "lầu" có nghĩa là mình, "cần lầu" là người mình. Cụm từ thường được các tộc người Tày - Nùng dùng để gọi tên tộc người mình. Ví dụ như: "Lan cụng lè cần lầu xầy né" nghĩa là cháu cũng là người mình thôi, nghĩa là cũng là người đồng tộc. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Trường thấy đây là cái tên có ý nghĩa nhất nên đã quyết định chọn làm tên kênh chính thức.
Chia sẻ về phong cách làm vlog, anh Trường hướng đến xây dựng những vlog mộc mạc, chân thật chủ yếu là vận dụng phỏng vấn sâu trong điền dã để tiếp cận. Điền dã là một phương pháp nghiên cứu trong khoa học được anh áp dụng để làm vlog thật thông minh và đúng chỗ.
Thời gian đi tác nghiệp, Lý Viết Trường có nhiều kỷ niệm vui, đáng nhớ, mà khi kể lại, Trường vẫn không hết phấn khích: “Những lần đầu đi quay, các cô các bác lúc đầu ngại vì sợ lên hình không được đẹp, hoặc nói gì sai mọi người cười. Nhưng sau khi lên YouTube 1, 2 video đầu thì các bác thích lắm. Rồi giờ đi đâu, các cô, các bác cũng gọi mình là Trường Vêlốc”.
Trần Đình Hiệp (Ba Đình, Hà Nội), một người theo dõi thường xuyên kênh vlog của Lý Viết Trường chia sẻ: “Vlog về văn hóa đang rất thiếu hiện nay. Là một hướng dẫn viên du lịch, mình cần tìm hiểu về đời sống văn hóa, xã hội của các dân tộc địa phương. Cần Lầu vlog cho mình cảm giác gần gũi, thân thuộc như mình đang có mặt trên thực địa”.
Với mong muốn quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc tới cộng đồng, dù ở bất kể lĩnh vực nào, nghiên cứu sinh - vlogger Lý Viết Trường đều cố gắng hết sức mình xây dựng, lan tỏa thông điệp ý nghĩa này trên hành trình khám phá của bản thân.