Cần Thơ đề nghị hỗ trợ 400 tỷ đồng làm kè khẩn cấp bảo vệ di sản cồn nổi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND TP. Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam. TP. Cần Thơ đề nghị Chính phủ Đức hỗ trợ 400 tỷ đồng để thực hiện dự án kè chống sạt lở khẩn cấp ở cù lao Tân Lộc.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho hay: Trong giai đoạn 2010 - 2022, thành phố có 262 điểm sạt lở với tổng chiều dài 9.870m, làm 4 người chết, 5 người bị thương, 94 căn nhà bị hư hại hoàn toàn.

Diễn biến của sạt lở ngày một nghiêm trọng và phức tạp (tăng cả về cường độ và số lượng). Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, không thể cân đối được nguồn vốn đầu tư các dự án kè chống sạt lở trọng điểm, khẩn cấp…

Cần Thơ đề nghị hỗ trợ 400 tỷ đồng làm kè khẩn cấp bảo vệ di sản cồn nổi ảnh 1

Một căn nhà ở đầu cù lao Tân Lộc.

UBND TP. Cần Thơ đề nghị Chính phủ Đức quan tâm hỗ trợ thành phố 400 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông trọng điểm, khẩn cấp trên địa bàn. Đó là dự án kè chống sạt lở khẩn cấp đầu cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), chiều dài 4.000m, kết cấu kè kiên cố, bê tông cốt thép, kết hợp gia cố mái chống xói bằng thảm đá…; thời gian thực hiện 2023- 2025.

Theo thống kê của địa phương, sạt lở tại khu vực đầu cù lao Tân Lộc diễn biến rất phức tạp, gây mất đất, mất sinh kế và đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân. Trong 30 năm qua, sạt lở làm mất hàng chục héc-ta đất, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân canh tác hoa màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản.

Tình hình hiện nay vẫn rất phức tạp, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là trước diễn biến của biến đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên nước của các quốc gia trên thượng nguồn, nhất là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa…

“Việc thực hiện đầu tư dự án là rất cần thiết và cấp bách nhằm bảo vệ đất đai, an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực, đặc biệt là bảo vệ di sản cồn nổi đã được hình thành từ rất lâu…” – đại diện Sở NN&PTNT Cần Thơ cho hay.

Cần Thơ đề nghị hỗ trợ 400 tỷ đồng làm kè khẩn cấp bảo vệ di sản cồn nổi ảnh 2

Lãnh đạo TP. Cần Thơ cùng các chuyên gia trong một chuyến khảo sát sạt lở tại cù lao Tân Lộc.

Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, mong muốn phía Đức giúp Cần Thơ xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông và quản lý nguồn tài nguyên cát hiệu quả thời trong gian tới. Cần Thơ cũng đề xuất Đức và WWF giúp thành phố mở rộng phạm vi quan trắc bùn cát đáy sông để nắm chắc diễn biến lượng cát đổ về từ thượng nguồn; hỗ trợ nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông phục vụ việc xây dựng ở Cần Thơ và vùng ĐBSCL; chuyển giao kỹ thuật xây dựng thân thiện môi trường, sử dụng ít cát hơn…

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Đức bày tỏ quan tâm đến các dự án về môi trường, biến đổi khí hậu, trong đó có đề tài khai thác cát một cách bền vững, đồng thời hy vọng trong tương lai sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc tìm vật liệu thay thế cát…

Cù lao Tân Lộc (cũng là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) nằm giữa sông Hậu, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 40km, có diện tích tự nhiên 3.330 héc-ta, với 29.173 nhân khẩu.

Trong chuyến khảo sát thực địa hồi năm 2020, chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, có ba nguyên nhân gây sạt lở ở cù lao này bao gồm cát dưới đáy sông bị mất cân bằng, dòng chảy thay đổi và các hoạt động khai thác của con người.

Theo tính toán, trung bình mỗi năm sạt lở làm mất từ 1 đến 1,2 héc-ta đất, khiến diện tích của cù lao ngày càng thu hẹp dần và tác động mất đất ngày càng thấy rõ.

Hiện tượng sạt lở tại những cù lao ở ĐBSCL có đặc tính khác so với sạt lở trong đất liền. Các cù lao trên sông được hình thành do quá trình kiến tạo của dòng sông, một khi bị sạt lở thì rất khó để trở lại hình dáng ban đầu...

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.