Cần và đủ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Báo cáo “Triển vọng du lịch Việt Nam 2023” vừa qua của Outbox Consulting, đánh giá Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế với tỉ lệ phục hồi bằng 23% năm 2019. Điều này làm những người có tâm huyết với ngành “công nghiệp không khói” nước nhà trăn trở.

Trăn trở vì sự phục hồi của Việt Nam thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của thế giới (55%). Và, nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỉ lệ hồi phục thấp nhất trong số những quốc gia được khảo sát, cho dù chúng ta “mở cửa bầu trời” ngang bằng, thậm chí sớm hơn họ.

Lãnh đạo một công ty du lịch lữ hành có lần than thở với tôi: Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm nghẽn, từ đó đã bỏ lỡ không ít cơ hội thu hút khách quốc tế để ngành du lịch trong nước có thể hồi phục sau đại dịch COVID-19 và tăng tốc. Một trong những điểm nghẽn ấy là chính sách visa. Thời hạn cấp visa cho khách quốc tế chỉ 15 ngày. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và phải tính toán đủ mọi cách để có thể tổ chức các đoàn khách quy mô lớn trong thời gian ngắn. Làm du lịch với tâm thế như vậy thì thật khó để thu hút du khách nước ngoài. Đó là chưa nói tới thủ tục cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế cũng còn bất cập và chưa nhanh chóng. Rất nhiều du khách cho biết không chủ động được thời gian nên buộc phải hủy vé tới Việt Nam.

Vì lẽ đó, chính sách mới về cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8 được ví như cơn mưa vàng giữa mùa khô hạn, như làn gió mát thổi vào thị trường khách quốc tế đang trầm lắng. Các nút thắt visa được tháo gỡ dù muộn vẫn hơn không vì sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn sẽ còn kéo theo sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề liên quan đến du lịch như nhà hàng - khách sạn, vận tải, thương mại - dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm, nâng thu nhập cho người dân trong bối cảnh kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chính sách “nới lỏng” visa mới chỉ là điều kiện cần, là bước khởi đầu. Để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành và những tập thể, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị còn có nhiều việc cần phải làm ngay để có thể nắm bắt cơ hội. Đó là từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh thân thiện tại các điểm đến, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, cơ sở lưu trú, không để xảy ra tình trạng chèo kéo, “chặt chém”...

Nói cách khác, bên cạnh điều kiện cần là chính sách visa thân thiện và linh hoạt, bài toán thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam phải thỏa mãn điều kiện đủ. Từ đó, các thượng đế đến từ phương xa mới thực sự hài lòng khi đến Việt Nam trải nghiệm và mong muốn quay lại. Chỉ có như thế, ngành công nghiệp không khói mới phát triển một cách bền vững.

MỚI - NÓNG