Căng thẳng gia tăng ở Niger, tổng thống bị dọa giết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chính quyền mới ở Niger nói sẽ giết Tổng thống vừa bị lật đổ nếu Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đưa quân vào nước này để can thiệp.
Căng thẳng gia tăng ở Niger, tổng thống bị dọa giết ảnh 1
Những người ủng hộ phe đảo chính tổ chức biểu tình ở thủ đô Niamey của Niger. Ảnh: AP

ECOWAS hôm 10/8 tuyên bố đã chỉ đạo một “lực lượng dự phòng” sẵn sàng khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger sau khi hết hạn phục chức cho Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Vài giờ trước đó, hai quan chức phương Tây nói với hãng tin AP rằng chính quyền mới của Niger đã gửi thông điệp tới một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ rằng họ sẽ giết Tổng thống Bazoum nếu các nước láng giềng cố gắng can thiệp quân sự để khôi phục quyền cai trị của ông này.

Liên quân sẵn sàng can thiệp

Hiện không rõ ECOWAS (gồm 15 thành viên) sẽ cử những nước nào tham gia lực lượng can thiệp vào Niger. Hiện cũng không rõ lực lượng này gồm bao nhiêu người và sẽ được điều động vào lúc nào. Các chuyên gia về xung đột cho rằng lực lượng này có thể bao gồm khoảng 5.000 quân do Nigeria chỉ huy và sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong vòng vài tuần tới.

Sau cuộc họp ECOWAS, Tổng thống nước láng giềng Bờ Biển Ngà, Alassane Ouattara, cho biết đất nước ông sẽ tham gia vào chiến dịch quân sự, cùng với Nigeria và Benin. “Bờ Biển Ngà sẽ cung cấp một tiểu đoàn và đã thu xếp mọi khoản tài chính... Chúng tôi quyết đưa ông Bazoum vào đúng vị trí của mình. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình và ổn định trong tiểu vùng”, Tổng thống Ouattara nói trên truyền hình nhà nước.

Niger, một quốc gia nghèo khó với khoảng 25 triệu dân, được coi là một trong những hy vọng cuối cùng để các quốc gia phương Tây hợp tác trong việc đẩy lùi cuộc nổi dậy thánh chiến có liên quan al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tàn phá khu vực. Pháp và Mỹ có hơn 2.500 nhân viên quân sự ở Niger. Họ đã cùng với các đối tác châu Âu khác đổ hàng trăm triệu đô la Mỹ vào việc củng cố quân đội của Niger.

Ngày 11/8, người dân Niger ở thủ đô Niamey nói rằng, ECOWAS không nắm rõ tình hình thực tế và không nên can thiệp. “Đó là việc của chúng ta, không phải của họ. Họ thậm chí không biết lý do tại sao cuộc đảo chính lại xảy ra ở Niger”, Achirou Harouna Albassi, một cư dân, nói. Theo ông, Tổng thống Bazoum đã không tuân theo nguyện vọng của người dân.

Hôm qua, Liên minh châu Phi bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết định của ECOWAS và kêu gọi chính quyền quân sự “khẩn trương ngăn chặn sự leo thang với tổ chức khu vực”. Liên minh này cũng kêu gọi thả ông Bazoum ngay lập tức.

Một cuộc họp của Liên minh châu Phi để thảo luận về tình hình ở Niger dự kiến diễn ra vào 12/8 đã bị hoãn lại. Vào tối 10/8 sau hội nghị thượng đỉnh, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết họ ủng hộ “tất cả các kết luận được thông qua”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đất nước ông đánh giá cao “quyết tâm của ECOWAS trong việc khám phá tất cả các lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình” và sẽ quy trách nhiệm cho chính quyền về sự an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum. Tuy nhiên, ông Blinken không nói rõ liệu Mỹ có ủng hộ việc triển khai quân hay không.

Những người lính lật đổ ông Bazoum hơn hai tuần trước đã củng cố quyền lực, dường như không muốn đối thoại và từ chối thả tổng thống. Các đại diện của chính quyền quân sự đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland về mối đe dọa đối với tính mạng của ông Bazoum. Bà Nuland vừa đến thăm Niger.

Alexander Thurston, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cincinnati (Mỹ), nhận định: “Mối đe dọa giết ông Bazoum thật nghiệt ngã”. Có những quy định bất thành văn về việc các tổng thống bị lật đổ sẽ bị đối xử như thế nào và bạo lực chống lại ông Bazoum sẽ gợi lại một số cuộc đảo chính tồi tệ nhất trong quá khứ. Tổ chức Human Rights Watch hôm qua nói rằng họ đã nói chuyện với Tổng thống bị lật đổ Bazoum. Ông Bazoum nói rằng con trai 20 tuổi của mình bị bệnh tim nghiêm trọng nhưng không được đưa đi khám bác sĩ. Ông sống trong cảnh không có điện gần 10 ngày qua; không được phép gặp gia đình, bạn bè; không được mang đồ tiếp tế vào nhà.

Không rõ liệu mối đe dọa đối với cuộc sống của ông Bazoum có làm thay đổi quyết định can thiệp quân sự của ECOWAS hay không. Các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể khiến họ tạm dừng hoặc đẩy các bên tiến gần hơn đến đối thoại.

Nate Allen, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi, nói: “Một cuộc tấn công của ECOWAS nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở một quốc gia có quy mô và dân số như Niger sẽ là điều chưa từng có”. Niger có một đội quân khá lớn và được huấn luyện tốt, nếu họ tích cực chống lại thì có thể gây ra những vấn đề đáng kể cho ECOWAS, ông nhận định.

Điều kiện giam giữ tồi tệ

Nhà lãnh đạo Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum và các thành viên gia đình ông đang bị giam giữ trong điều kiện tồi tệ; phe đảo chính đã cắt điện cung cấp cho dinh thự của tổng thống, khiến họ sụt cân nhanh chóng trong khi thức ăn bị thiu trong tủ lạnh, Zazia Bazoum, con gái của ông Bazoum, nói với Guardian. Zazia cho biết cô liên lạc qua điện thoại gần như hằng ngày với cha, mẹ và anh trai mình. Họ đang phải sống trong điều kiện không có nước sạch, lò gas sắp hết nhiên liệu, ăn gạo và mì ống. Zazia đang đi nghỉ ở Pháp khi ông Bazoum bị chính lực lượng bảo vệ tổng thống bắt giữ vào tháng trước.

Hơn 4 triệu người chờ viện trợ nhân đạo

Trong khi khu vực dao động giữa hòa giải và chuẩn bị cho chiến tranh, người dân Niger đang chịu tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế và du lịch khắc nghiệt do ECOWAS áp đặt. Louise Aubin, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Niger, cho biết trước cuộc đảo chính, hơn 4 triệu người Niger phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

“Tình hình thật đáng báo động... Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân và ngày càng có nhiều người cần được hỗ trợ nhân đạo hơn”, bà nói. Việc đóng cửa biên giới trên bộ và trên không khiến việc đưa viện trợ vào Niger trở nên khó khăn và không rõ nguồn cung hiện tại sẽ kéo dài bao lâu.

Các biện pháp trừng phạt của ECOWAS đã cấm vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia thành viên, khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu trở nên khó khăn. Chương trình Lương thực Thế giới có khoảng 30 xe tải bị mắc kẹt ở biên giới Benin không thể đi qua. Chính quyền Niger đã đóng cửa không phận, làm khó các chuyến bay nhân đạo vận chuyển hàng hóa và nhân viên đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

MỚI - NÓNG