Nạp tiền thật mua hàng ảo
Trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan những thông tin tuyển dụng nhân viên xác nhận đơn hàng, nhân viên vận hành, chốt đơn… cho các sàn thương mại điện tử. Đây là chiêu trò giả danh các thương hiệu lớn nhằm chiếm đoạt lòng tin của các nạn nhân rồi dẫn dắt họ gia nhập hệ thống lừa đảo. Với hình thức đặt hàng nhận hoa hồng, các nạn nhân ban đầu sẽ chỉ phải nạp một số tiền nhỏ để đặt đơn hàng đầu tiên trên website.
Cẩn trọng với những thông tin tuyển dụng tràn lan trong các hội, nhóm tìm việc làm. |
Trong 3 đơn hàng đầu tiên, nạn nhân sẽ rất nhanh được hoàn lại số tiền gốc và hoa hồng. Đánh vào lòng tham, đối tượng lừa đảo nâng mức tiền cho các đơn hàng tiếp theo, yêu cầu nạn nhân tiếp tục nạp tiền để có thể vận đơn cũng như lấy lại số tiền vốn đã bỏ ra. Một số nhẹ dạ, cả tin tiếp tục nạp tiền vào hệ thống với mong muốn nhận được % lợi nhuận, một số phần nào phát giác sự mập mờ của hình thức này nhưng vẫn nuôi hy vọng thu hồi vốn. Và tất nhiên, mọi hy vọng đều sụp đổ khi số tiền ngày càng lớn, các nạn nhân không thể xoay xở được, đáp lại lời cầu cứu của “nhân viên” lại là sự im lặng của hệ thống lừa đảo.
Việc làm không rõ ràng, mức hoa hồng được hứa hẹn cao bất thường. |
Trần Anh Phương - cô sinh viên năm cuối Đại học Thủ Đô đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này và mất đi số tiền 15 triệu đồng. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, Anh Phương vẫn còn ám ảnh: “Bắt đầu bằng việc tìm kiếm việc làm trên các hội nhóm việc làm trên facebook, gặp một bài đăng tuyển dụng công việc không bỏ vốn, không cọc, mình chủ động nhắn tin tìm hiểu thì được giới thiệu công việc không rõ tên, chỉ nói là mục đích muốn gia tăng số lượng đặt hàng cho Shopee, mình đăng ký tài khoản trên hệ thống và chỉ cần bỏ ra 50 ngàn là có thể bắt đầu.
Do số tiền khá ít nên mình cảm thấy không vấn đề gì và chấp nhận làm thử. Sau đơn hàng đầu tiên mình được hoàn lại tiền và có thêm phần trăm hoa hồng. Vài đơn hàng đầu tiên chỉ mất vài chục nghìn để nhận lại được hoa hồng, thế nhưng giá trị những đơn hàng sau sẽ càng tăng. Sau khi mua 3 món hàng đầu tiên, khi mua món hàng thứ 4 mình sẽ không lấy lại ngay tiền gốc mà phải mua thêm món đồ thứ 5, thứ 6, 7 để lấy lại tiền của món hàng thứ 4. Đó là quy tắc của hệ thống này. Cứ như thế, khi giá trị đơn hàng tăng đến mức mình không còn tiền để trả đồng thời không thể rút được số tiền gốc. Mình đã bắt đầu vay mượn bạn bè để có tiền nạp vào giao dịch với hy vọng lấy được số tiền gốc rồi dừng. Thế nhưng sau khi tiếp tục giao dịch, mình lại bị báo rằng số tiền chưa đủ để “phá băng”.
Vì đã vay nợ nên mình càng nôn nóng. Thực sự lúc ấy, vấn đề của mình không phải là lợi nhuận mà mình chỉ muốn lấy lại được số tiền cũ để trả bạn bè. Khi số tiền lên đến gần 10 triệu, mình không còn khả năng xoay xở nhưng người môi giới vẫn cố gắng thuyết phục mình cố một chút nữa thôi, sắp mở được rồi. Và cuối cùng mình mất 15 triệu.”
Những đối tượng lừa đảo liên tục có những hành động để khẳng định uy tín, tác động mạnh vào tâm lý của các nạn nhân theo từng bước nhỏ. Từ việc sử dụng tên của các sàn thương mại điện tử lớn, xây dựng hình ảnh tuyển dụng uy tín đến những chi tiết ranh ma hơn như nhờ người tham chiếu, chủ động cho vay tiền hòng lấy được sự tin tưởng hoàn toàn của nạn nhân. Khi cảm thấy con mồi buông lỏng cảnh giác, bước vào vòng xoáy tâm lý đã được sắp đặt, các đối tượng lừa đảo liên tục “mồi thuốc” cho đến khi nạn nhân kiệt quệ về kinh tế.
Cảnh giác với những giao diện website như thế này. |
Cũng là nạn nhân của hình thức lừa đảo tương tự, Nguyễn Minh Anh – Học viện Ngân hàng vừa khóc vừa kể lại: “Đến giây phút này thực sự mình vẫn chưa vượt được cú sốc tâm lý ấy, mình bị lung lay, đánh mất niềm tin của mọi người.” Tân sinh viên bước chân lên Hà Nội học tập, Minh Anh muốn tìm kiếm việc làm để chi tiêu được thoải mái hơn, nắm bắt được nhu cầu này, đối tượng lừa đảo đã chủ động nhắn tin, giới thiệu công việc và rồi không ngoại lệ, cô gái trẻ cũng đã vướng vào cạm bẫy và thiệt hại 25 triệu đồng. Không dừng lại ở việc lừa lấy tiền qua hệ thống ảo, những đối tượng này còn gài bẫy cô gái trẻ vay nợ ảo, trả nợ thật và liên tục nhắn tin, gọi điện đe doạ, khủng bố tinh thần. “Chúng ghép ảnh mình, doạ đưa lên các hội nhóm, liên tục spam trong trang cá nhân của mình và còn nói là gửi về trường… Mình chỉ biết vùi mình trong góc phòng khóc suốt những ngày đó, và nếu như không nhận được sự trợ giúp, động viên của người thân, bạn bè thì không biết bây giờ mọi chuyện sẽ ra sao nữa.”
Không khó để “nhận diện” thủ đoạn lừa đảo này. Các hình thức lừa đảo qua việc tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên xác nhận, vận đơn trên sàn thương mại điện tử đều sử dụng những trang web có tên miền lạ, khó nhớ với thiết kế giao diện tương đối giống với những “bản chính” nhằm đánh lừa những nạn nhân xấu số. Khi truy cập, chúng ta dễ dàng nhận ra website được xây dựng tạm bợ, nhiều lỗi font, nền, các giao dịch nạp và rút mập mờ, thông qua trung gian… Tuy nhiên không chỉ có những người kém hiểu biết hay hạn chế về thông tin mà ngày càng có rất nhiều nạn nhân là sinh viên, trí thức bị các chiêu trò này che mắt và đã có những thiệt hại lên tới cả tỉ đồng.
Điều đáng nói ở đây, có rất nhiều thủ đoạn lừa đảo đã được cảnh báo nhiều lần nhưng số nạn nhân không hề giảm. Nhiều hình thức lừa đảo vô cùng dễ phát hiện nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng mấu chốt của những chiêu trò lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo thì chính mỗi chúng ta cũng cần phải tự nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.
“Mình đã rút được kinh nghiệm, bài học sâu sắc khi tìm việc làm đó là chọn những công việc rõ ràng, chính đáng, tham khảo người đi trước và tìm hiểu kỹ về công việc trước khi nhận. Tốt nhất là mình có thể gặp mặt trực tiếp, tìm những công việc phù hợp với sức mình và quan trọng là không có việc gì nhẹ mà lương cao” – Trần Anh Phương chia sẻ bài học của mình. “Hy vọng mọi người lưu tâm hơn đến những tin tức về xã hội, pháp luật, có nhận thức rõ ràng về công việc mình đang tìm kiếm để không một ai trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo này nữa” – Minh Anh gửi lời khuyên tới những bạn trẻ đang mong muốn tìm việc làm.
Xử lý ra sao khi bị lừa đảo
Hai nhân vật của chúng tôi, một người chọn im lặng, một người chọn phản kháng ngay với các đối tượng lừa đảo và nhận lại sự khủng bố, đe doạ tinh thần gây ám ảnh. Cả hai đều không thông báo với cơ quan công an về tình trạng và khi mọi việc đã xong thì không còn cách nào để cứu vãn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.
Tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao chiếm tỉ trọng nhỏ trong các loại tội phạm nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn. Nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật phải là việc làm thường xuyên, thiết yếu nhất là đối với những người trẻ, sinh viên bởi khi mọi việc đã xảy ra, hậu quả dường như không thể khắc phục.
Cảnh báo của Bộ Công an về 8 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay:
1. Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Branname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
2. Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
3. Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội để chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
4. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
5. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.
6. Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái.
7. Sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ” hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
8. Thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo: các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.