Cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn dịp cuối năm và kỹ năng thoát nạn cần ghi nhớ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày cuối năm cận Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tập kết nguyên vật liệu, hàng hóa, thêm vào đó, miền Bắc vào mùa hanh khô, độ ẩm giảm mạnh làm nguy cơ cháy, nổ tăng cao, dễ dẫn đến những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn dịp cuối năm và kỹ năng thoát nạn cần ghi nhớ ảnh 1

Vụ cháy điểm kinh doanh phế liệu ở Thanh Trì, Hà Nội làm 4 người trong gia đình thương vong xảy ra vào tháng 10/2023.

50% vụ cháy mỗi năm xảy ra tại các gia đình

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an, hàng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do con người, do sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, sử dụng điện không an toàn…

Điển hình, rạng sáng ngày 15/1, một vụ hỏa hoạn tại ngôi nhà 4 tầng trên phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm 4 người trong gia đình tử vong. Đây là ngôi nhà dạng ống diện tích khoảng 20m2/ tầng, tầng 1 kinh doanh hoa tươi, các tầng trên sử dụng để ở. Trong năm 2023, trên địa bàn TP Hà Nội cũng xảy ra một số vụ cháy như tại số 12 Thổ Quan (Đống Đa), làm 3 người chết; vụ cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương, Yên Khê (Hoài Đức), làm 3 người chết...

Theo Công an TP Hà Nội đặc điểm chung của các vụ cháy nêu trên đều xảy ra vào đêm khuya và rạng sáng, khi các gia đình đang ngủ say. Bên cạnh đó, việc thiếu các phương tiện, thiết bị cảnh báo cháy sớm ngay từ ban đầu khi đám cháy mới phát sinh là một trong những nguyên nhân các thành viên trong gia đình không phát hiện có cháy kịp thời, khói khí độc theo trục thang bộ tòa nhà, kèm theo ngọn lửa bùng phát và lan truyền nhanh lên các tầng nhà trong thời gian rất ngắn.

Khi con người phát hiện ra cháy đã muộn, gây tâm lý hoảng loạn, không còn khả năng kiểm soát tình hình cũng như thoát nạn dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cơ quan công an nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến chết người trong các vụ cháy trên liên quan đến đặc điểm kiến trúc của các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đều dạng nhà ống, mặt tiền nhỏ hẹp, thang bộ bên trong nhà để hở, không có biện pháp ngăn cháy, ngăn khói lan truyền giữa khu vực sản xuất, kinh doanh, khu vực để hàng hóa dễ cháy với không gian sinh hoạt của gia đình.

Qua những vụ việc trên, để phòng ngừa xảy ra cháy, cơ quan chức năng khuyến cáo hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã; trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, báo rò rỉ khí gas, bình chữa cháy xách tay...; chuẩn bị và thực hành phương án thoát nạn cho người và tài sản đề phòng cháy xảy ra.

Cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn dịp cuối năm và kỹ năng thoát nạn cần ghi nhớ ảnh 2

Vụ cháy nhà trong ngõ Thổ Quan (Hà Nội) làm 3 người tử vong.

Những kỹ năng thoát nạn cần ghi nhớ

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trên thực tế, trong các vụ cháy, người chết chủ yếu là do ngạt khói khí độc trước khi chết cháy. Do đó, khi phát hiện có cháy cần phải thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.

Người dân cần chú ý, trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.

Lực lượng chức năng khuyến cáo, trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác như qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh… Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.

Đối với trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và dán vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở. Sau đó di chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH lưu ý người dân cần thông tin chính xác cho lực lượng chức năng số lượng người bị nạn, tình trạng người bị nạn và vị trí người bị nạn để có biện pháp cứu nạn, cứu hộ.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy tại các quán bar, karaoke

Vẫn theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, đối với các quán bar và karaoke hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người.

Cơ sở kinh doanh karaoke có kiến trúc thường rất kín để tránh tiếng ồn sang nhà lân cận, mặt trước tòa nhà hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói.

Ngoài ra, các cơ sở này chứa nhiều chất dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi… khi cháy có tốc độ cháy lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc, nếu người trong quán không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong...

MỚI - NÓNG