Cao tốc miền Tây 'lụt' tiến độ vì 'đói' cát - Bài 2: Cát khan hiếm, đội giá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây cát lậu trên sông Tiền (An Giang), nguồn cung cát ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng khan hiếm trên thị trường.

Giá cát “nhảy múa”

Cuối tháng 8/2023, phóng viên Tiền Phong trở lại khu vực mỏ cát trên sông Tiền, đoạn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (Chợ Mới, An Giang) do Công ty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (viết tắt Công ty Trung Hậu - 68) khai thác. Sau chuyên án của Bộ Công an, nơi đây không còn nghe tiếng máy khai thác gầm rú inh ỏi. Hơn chục chiếc xáng cạp và sà lan đậu nối đuôi nhau nằm bất động giữa sông Tiền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi Công ty Trung Hậu - 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 tại mỏ cát nói trên. Nguồn cát khai thác được sẽ cung cấp cho 4 công trình gồm: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên; Công trình đường kênh Long Điền A-B; Dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Lợi dụng giấy phép khai thác được cấp, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Hậu - 68 đã chỉ đạo nhân viên và thuê người tổ chức khai thác gần 4,8 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, trị giá khoảng 253 tỷ đồng.

Sau khi vụ án khai thác cát tại Công ty Trung Hậu - 68 bị “bóc gỡ” và UBND tỉnh An Giang thu hồi 6 mỏ cát theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các doanh nghiệp có dấu hiệu “làm ăn bất minh” co cụm, cát thương mại “đứt” nguồn cung. Trong bối cảnh loạt công trình trọng điểm, đường cao tốc vùng ĐBSCL và người dân cần cát để xây dựng, thi công, dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao.

Theo một số doanh nghiệp, hiện giá cát tại mỏ cũng bắt đầu “nhảy múa”, nhưng nguồn cung rất hạn chế. Ông H. (chủ một doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Vĩnh Long) cho biết, nhiều ngày nay, sà lan phải ngưng hoạt động vì không có nơi để lấy cát. Hiện cát san lấp, cát xây dựng đều khan hiếm và giá tăng liên tục. Trước đây, sà lan cát về cập bến, chưa tính tiền bốc dỡ, tập kết bến bãi là 200.000 đồng/m3, nay giá cập bến đã lên tới 270.000 đồng/m3, trong khi giá trúng thầu công trình là cố định.

Cao tốc miền Tây 'lụt' tiến độ vì 'đói' cát - Bài 2: Cát khan hiếm, đội giá ảnh 1

Công nhân thi công mặt bằng khuôn đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Ảnh:PV

Ông T., chủ một doanh nghiệp khai thác mỏ cát ở tỉnh An Giang cho biết, nguồn cung cát đang thiếu hụt. Dù được địa phương yêu cầu hỗ trợ cung cấp vài nghìn khối cát để xây dựng nhà chính sách, hộ nghèo, doanh nghiệp của ông vẫn không dám cung cấp. “Nguồn cát hiện nay theo quy định phải cung cấp cho công trình trọng điểm được UBND tỉnh phê duyệt. Cát đang khan hiếm, dù rất muốn cung cấp cát hỗ trợ cho địa phương xây dựng nhà ở cho hộ khó khăn nhưng chúng tôi không dám. Vì căn cứ quy định là doanh nghiệp sai, có thể bị rút giấy phép”, ông T. nói.

Một chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Cần Thơ cho biết, đội sà lan, xe ben của đơn vị gần như ngưng hoạt động nhiều ngày qua vì thị trường cát đứt gãy nguồn cung. “Chúng tôi không mua được hàng để bán cho các công trình dân dụng, người dân có nhu cầu san lấp nền. Có mua được thì cũng không có hoá đơn đầu vào nên rất dễ bị kiểm tra, xử phạt”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Cần cơ chế phối hợp

Cao tốc miền Tây 'lụt' tiến độ vì 'đói' cát - Bài 2: Cát khan hiếm, đội giá ảnh 2

Nhiều xáng cạp nằm bất động giữa sông Tiền (Chợ Mới, An Giang) sau khi đường dây cát lậu của Công ty Trung Hậu – 68 bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra, xử lý. Ảnh: Hòa Hội

Theo một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia, sau khi tỉnh An Giang rút giấy phép nhiều mỏ cát, đối tác ở Campuchia cũng đã tăng giá cát xây dựng thêm gần 20.000 đồng/m3, nên giá bán cát Campuchia nhập khẩu cũng tăng theo tương ứng. Do thiếu nguồn cung, nhiều doanh nghiệp liên tục liên hệ tìm nguồn cát Campuchia để cung ứng cho thị trường.

Anh T., chủ doanh nghiệp ở An Giang cho biết, hiện nay, nguồn cát phục vụ trộn bê tông đã không còn dồi dào như trước. Để có nguồn cát thay thế, phải kiếm mối mua từ Campuchia. Mỗi tháng doanh nghiệp của anh cần hàng chục nghìn m3. Hiện giá cát loại nhỏ từ 190.000/m3 tăng lên 270.000 đồng/m3 nhưng cũng rất khó mua.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, An Giang đã thu hồi giấy phép khai thác đối với 6 mỏ cát trên địa bàn, trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3. Do đó, tỉnh không thể đảm bảo nguồn cát theo khối lượng đã phân bổ phục vụ thi công các dự án cao tốc. Theo đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thiếu gần 2 triệu m3 cát, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thiếu khoảng 2,2 triệu m3. Để giải quyết khó khăn này, An Giang đã có tờ trình gửi Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn cấp lại giấy phép khai thác đối với 6 mỏ này để phục vụ cho các dự án cao tốc trọng điểm. “Vừa qua, xảy ra sự việc tại An Giang. Việc cung cấp cát cho các công trình ngoài tỉnh mà không có sự phối hợp giữa các địa phương, không có phối hợp với chủ đầu tư, đây là một bài học xương máu”, ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, khi An Giang cung cấp vật liệu cát cho các dự án của Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phải liên hệ phối hợp để đảm bảo lượng cát xuất khỏi An Giang phải đến đúng địa chỉ công trình, để không xảy ra hiện tượng cát tuồn ra ngoài. “An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tới đây sẽ có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát nguồn cát, không để thất thoát. Mới đây, tỉnh đã thành lập 5 trạm kiểm soát đầu ra của cát trên các tuyến đường đi ra ngoài tỉnh, đảm bảo chặt chẽ nguồn cát từ chỗ cung đến chỗ nhận”, ông Bình nói.

Cần đánh giá tổng thể các mỏ cát vùng ĐBSCL

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ TN&MT trong việc áp dụng cơ chế đặc thù, tuy nhiên nhiều nội dung còn chưa rõ hoặc mỗi tỉnh có cách hiểu chưa đồng nhất khi đi vào chi tiết về trình tự thủ tục. Do đó với một số nội dung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh khác nói chung còn lúng túng trong việc thực hiện thủ tục cấp phép khai thác thông qua hình thức cơ chế đặc thù. “Cần có đánh giá tổng thể các mỏ cát trong vùng ĐBSCL, nhất là trên sông Tiền và sông Hậu. Đã rất lâu không có đánh giá chính thức nào, trong khi biến đổi khí hậu hiện nay thay đổi liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đồng Tháp kiến nghị trình tự thủ tục thực hiện cơ chế đặc thù cung ứng cát theo Nghị quyết của Quốc hội, cho chủ trương cụ thể về quy trình giao trực tiếp mỏ cát cho các nhà thầu khai thác; có quy chế phối hợp, trách nhiệm thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan”, ông Nghĩa nói. Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cam kết đến ngày 20/9 sẽ hoàn thành cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu để bảo đảm đủ nguồn cát san lấp cho dự án này theo chỉ tiêu cung ứng cát được Thủ tướng giao, cũng như điều phối đủ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn.

MỚI - NÓNG