Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà

SVVN - Lê Hoàng Lan và Lê Hoàng Linh, hai chị em song sinh (sinh năm 2002) hiện đang theo học chương trình thạc sĩ tại Pháp. Cả hai đều là những sinh viên xuất sắc, đã hoàn thành chương trình cử nhân tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 đối với họ không chỉ là sự thiếu vắng gia đình mà còn là cơ hội để họ nhìn lại hành trình vượt qua thử thách, từ những ngày tháng ở Việt Nam cho đến hiện tại khi đang theo đuổi những ước mơ lớn nơi đất khách.

Hành trình song hành từ USTH đến trời Âu của cặp song sinh

Lê Hoàng Lan và Lê Hoàng Linh, cặp song sinh tài năng đến từ Hà Nội đang cùng nhau chinh phục những nấc thang tri thức tại Pháp. Hoàng Lan hiện sinh sống tại Rennes, đã tốt nghiệp Cử nhân Hóa học (CHEM) tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) vào năm 2024. Cô từng đảm nhiệm vị trí trợ lý nghiên cứu tại nhóm nghiên cứu Hóa học trong Chuyển hóa và Tích trữ năng lượng (CECS) thuộc USTH trước khi trúng tuyển chương trình thạc sĩ "Green and Sustainable Catalysis" tại Đại học Rennes 1 vào năm 2024.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 1
Lan dịu dàng trong tà áo dài với nụ cười rạng rỡ, lan tỏa không khí Tết ấm áp dù cách xa quê nhà hàng nghìn cây số.

Trong khi đó, Hoàng Linh đang học tập tại Paris, cũng để lại dấu ấn đáng nể với hành trình học tập vượt bậc. Tốt nghiệp cử nhân Công nghệ Sinh học Nông Y Dược (PMAB) tại USTH với học bổng Merit Scholarship, Linh tiếp tục nhận học bổng Pathway Scholarship để theo học chương trình thạc sĩ "Phát triển thuốc" tại USTH. Năm 2024, cô xuất sắc giành học bổng IDEX để theo học thạc sĩ "Drug Development and Health Product" (D2HP) tại Đại học Paris-Saclay.

Cả hai chị em không chỉ gây ấn tượng bởi bảng thành tích học tập xuất sắc mà còn bởi những nỗ lực bền bỉ trong quá trình chuẩn bị và ứng tuyển vào các chương trình thạc sĩ. Hoàng Linh chia sẻ: "Hành trình ứng tuyển vào Paris-Saclay là một thử thách lớn với mình. Từ việc tìm hiểu thông tin ngành học, viết CV, thư động lực, đến chuẩn bị IELTS, tất cả đều đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn thận. Đặc biệt, mình đã dành rất nhiều tâm huyết để viết thư động lực sao cho thể hiện rõ lý do chọn ngành học và kế hoạch tương lai".

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 2
Dẫu xa quê, Linh vẫn giữ truyền thống diện áo dài để đón Tết, mang theo nét đẹp Việt giữa lòng châu Âu.

Với Hoàng Lan, quá trình ứng tuyển vào Đại học Rennes 1 cũng không kém phần áp lực. Cô tâm sự: "Lần đầu làm hồ sơ du học, mình gặp không ít khó khăn, từ việc tìm kiếm thông tin chương trình phù hợp đến hoàn thiện các giấy tờ yêu cầu. Có những lúc cảm thấy stress khi chờ phản hồi từ trường, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình và kinh nghiệm của các anh chị đi trước, mình đã vượt qua".

Động lực và lý do để hai cô gái trẻ chọn con đường này đều xuất phát từ niềm đam mê mãnh liệt dành cho lĩnh vực khoa học và khát vọng đóng góp cho xã hội. Lan chia sẻ: "Mình chọn chương trình Green and Sustainable Catalysis vì đây là cơ hội tuyệt vời để hiểu rõ hơn về sự phát triển của hóa học bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Chương trình cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển các công nghệ bền vững, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường". Với Lan, xúc tác xanh không chỉ là một chuyên ngành, mà còn là sứ mệnh hướng tới một tương lai bền vững hơn cho hành tinh.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 3

Ở Rennes, Lan tham gia sự kiện “Tết Cội Nguồn” 2025 do Hội Sinh viên Việt Nam tại Rennes tổ chức.

Trong khi đó, Linh cho biết: "Mình chọn D2HP vì muốn đóng góp vào lĩnh vực phát triển dược phẩm, nơi khoa học được ứng dụng để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Học bổng IDEX không chỉ giúp mình giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn là sự công nhận cho những nỗ lực suốt thời gian qua. Paris-Saclay là môi trường lý tưởng để mình học hỏi và phát triển bản thân".

Sống xa nhà và hành trình trưởng thành trong môi trường đa văn hóa

Hành trình học tập và sinh sống tại Pháp đã mang đến cho cặp song sinh Hoàng Lan và Hoàng Linh không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả những bài học sâu sắc về cuộc sống. Việc sống và học tập trong môi trường quốc tế đã giúp cả hai mở rộng tầm nhìn, từ đó tiếp thu nhiều điều mới mẻ về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và lối sống của các quốc gia khác nhau.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 4
Lan tham gia sự kiện Tết Cội Nguồn 2025 tại Pháp, nơi Lan được hòa mình vào không khí quê hương cùng những người con xa xứ.

Linh cho biết: “Mặc dù có những khác biệt về phong tục và thói quen giữa các nền văn hóa, mọi người ở đây luôn tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Chính sự tôn trọng đó đã tạo nên một không khí thoải mái, hòa đồng và gắn kết, khiến chúng mình cảm thấy như đang sống trong một cộng đồng đa dạng, nơi ai cũng có cơ hội phát triển”.

Khác với nỗi lo về sốc văn hóa mà nhiều người thường gặp, Lan và Linh lại xem sự khác biệt văn hóa là cơ hội để trưởng thành. “Chúng mình cảm thấy sự đa dạng văn hóa không chỉ làm phong phú thêm hiểu biết cá nhân mà còn giúp bản thân học cách mở lòng, thích nghi và đánh giá cao giá trị của sự khác biệt”, Lan nói.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 5
Linh du xuân và lưu giữ khoảnh khắc đầu năm đầy năng lượng.

Cảm xúc lần đầu đón Tết xa nhà nơi trời Âu

Lần đầu tiên đón Tết xa quê, lại ở hai thành phố cách nhau hơn 300 km tại Pháp, Hoàng Lan và Hoàng Linh không khỏi bồi hồi khi nghĩ về cái Tết đoàn viên bên gia đình. “Mọi năm, chúng mình sẽ cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng và chuẩn bị mâm cỗ Tết. Năm nay, chỉ có thể đón Tết qua màn hình điện thoại với gia đình, nên cảm giác nhớ nhà, chạnh lòng là không tránh khỏi”, Lan chia sẻ.

Xa cách 10.000 cây số, nhưng không khí Tết quê nhà vẫn theo chân hai cô gái đến trời Âu. Ở Rennes, Lan tham gia sự kiện “Tết Cội Nguồn” 2025 do Hội Sinh viên Việt Nam tại Rennes tổ chức, nơi cô được hòa mình vào những giai điệu đậm chất Việt Nam, thưởng thức món ăn truyền thống và gặp gỡ bạn bè đồng hương. Ngoài ra, cô còn trang trí những món đồ Tết Việt để tặng giáo sư và cùng bạn bè trong ký túc xá chuẩn bị mâm cỗ truyền thống Việt Nam và quây quần đón giao thừa.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 6
Lan diện áo dài tết trong lớp học, mang sắc xuân vào giảng đường và chia sẻ nét đẹp truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ở Paris, dù bận rộn với lịch ôn thi, Linh vẫn tranh thủ ghé thăm các hội chợ Tết để cảm nhận không khí quê hương. “Nhìn thấy bánh chưng, cành đào, mứt Tết và các hoạt động trình diễn văn nghệ, mình cảm thấy Tết như gần gũi hơn, dù đang ở xa”, Linh chia sẻ.

Dù ở hai thành phố khác nhau, nhưng cả hai đã cùng nhau đón khoảnh khắc năm mới qua cuộc gọi video. “Chúng mình đón giao thừa hai lần: lần đầu là với gia đình ở Việt Nam, và lần sau là đúng giờ Pháp”, Lan chia sẻ. Đối với hai cô gái, dù cách xa nửa vòng Trái Đất, Tết Nguyên đán vẫn là dịp đặc biệt để nhớ về cội nguồn, trân quý giá trị đoàn viên và những ký ức ngọt ngào cùng gia đình.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 7

Lan mặc áo dài đến lớp vào ngày mùng 1 Tết một cách tinh tế để giới thiệu hình ảnh Việt Nam trong không gian học tập quốc tế.

Gìn giữ hồn Tết Việt nơi trời Tây

Lần đầu đón Tết Nguyên đán xa gia đình, cặp chị em song sinh vẫn trọn vẹn lưu giữ những giá trị truyền thống của Tết Việt trong không gian sống của mình.

Lan chia sẻ: “Mình vẫn giữ thói quen xuống phố chụp ảnh áo dài trước Tết, như một cách lưu lại khoảnh khắc đẹp của năm mới. Mình tự tay làm những món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, xôi gấc, không chỉ để thưởng thức mà còn để níu giữ hương vị quê nhà. Tết với mình luôn là thời khắc đặc biệt, là dịp để nhìn lại một năm đã qua và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống”.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 8
Lan khéo léo chuẩn bị các món ăn truyền thống, đưa hương vị Tết Việt về giữa đất Pháp.

Đối với Linh, cô vẫn dành thời gian trang trí nhà cửa bằng bao lì xì đỏ, hình dán Tết và chuẩn bị phong bao lì xì để tặng bạn bè quốc tế. “Mình cố gắng tạo một không khí Tết thật gần gũi ngay trong căn phòng nhỏ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa của Tết Việt đến với mọi người xung quanh”, Linh chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, Lan và Linh còn mang Tết Việt đến với bạn bè quốc tế bằng những cách đầy sáng tạo. Lan mặc áo dài đến lớp vào ngày mùng 1 Tết một cách tinh tế để giới thiệu hình ảnh Việt Nam trong không gian học tập quốc tế. Cô cũng chuẩn bị những món quà trang trí nhỏ xinh mang chữ “An Khang” và “Vạn Sự Như Ý” để tặng hai giáo sư người Pháp của mình, vừa là lời chúc năm mới, vừa là dịp để chia sẻ về ý nghĩa văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt, hai chị em đã chuẩn bị những bao lì xì để tặng các bạn du học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mỗi phong bao đều kèm theo lời chúc Tết bằng tiếng Việt, giúp bạn bè hiểu thêm về phong tục lì xì đầu năm, một biểu tượng của sự may mắn và đoàn viên.

Cặp chị em song sinh du học thạc sĩ tại Pháp cùng câu chuyện đón Tết 2025 xa nhà ảnh 9
Khoảnh khắc ấm áp khi Lan và Linh cùng gọi về nhà, san sẻ niềm vui năm mới qua màn hình nhỏ.

Gửi lời nhắn đến các bạn trẻ đang đón Tết xa quê hương, hai chị em trải lòng: “Tết xa nhà luôn khiến chúng ta nhớ nhung và có chút chạnh lòng, nhưng đó cũng là cơ hội để trưởng thành và tự hào hơn về văn hóa của chính mình. Hãy trân trọng những giá trị gia đình và lan tỏa nét đẹp Tết Việt ở bất kỳ nơi nào bạn đặt chân đến. Đi thật xa để trở về, để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của sự đoàn viên”.

Cuối cùng, hai chị em gửi gắm lời chúc đến gia đình và độc giả Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam – Báo Tiền Phong: “Chúc mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy niềm vui và may mắn. Mong rằng dù ở bất kỳ nơi đâu, chúng ta vẫn luôn tự hào và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Việt Nam”.

(Ảnh: NVCC)

MỚI - NÓNG
Phát động phong trào ‘Bình dân học vụ số’ và ra mắt nền tảng đào tạo quốc gia
Phát động phong trào ‘Bình dân học vụ số’ và ra mắt nền tảng đào tạo quốc gia
SVVN - Chiều 26/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phát động phong trào 'Bình dân học vụ số' và ra mắt nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia. Đây là bước đi quan trọng nhằm phổ cập tri thức số, trang bị kỹ năng công nghệ cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Ngọn lửa đam mê: Khi nghệ thuật múa thắp sáng thanh xuân cùng người bạn Đoàn

Ngọn lửa đam mê: Khi nghệ thuật múa thắp sáng thanh xuân cùng người bạn Đoàn

SVVN - Nguyễn Lưu Hoàng Lan, sinh viên năm hai ngành Báo mạng điện tử (Chất lượng cao), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, không chỉ đam mê nghệ thuật múa mà còn xem đó là cách lan tỏa tinh thần Đoàn. Từ các hoạt động phong trào đến những sân khấu lớn, mỗi bước nhảy của Lan không chỉ là biểu diễn, mà còn truyền tải thông điệp gắn kết, nhiệt huyết và cống hiến. 
Sao Tháng Giêng 2024 và ba năm liên tiếp chinh phục danh hiệu Sinh viên 5 tốt

Sao Tháng Giêng 2024 và ba năm liên tiếp chinh phục danh hiệu Sinh viên 5 tốt

SVVN - Bùi Thị Khánh Huyền (sinh năm 2001), sinh viên năm 4, ngành Luật Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, không chỉ là tấm gương sáng trong học tập mà còn là thủ lĩnh nhiệt huyết trong công tác Đoàn - Hội. Với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường, Huyền đã có nhiều đóng góp nổi bật, vinh dự nhận danh hiệu Sao Tháng Giêng 2024, Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố ba năm liên tiếp cùng nhiều bằng khen cấp Trung ương.
Bản lĩnh tuổi trẻ của nữ sinh Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bản lĩnh tuổi trẻ của nữ sinh Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

SVVN - Gia nhập Đảng từ năm 2022, Hoàng Thị Quỳnh Như xem đây là động lực để không ngừng phát triển bản thân và cống hiến. Với thành tích nổi bật trong học tập và hoạt động ngoại khóa, cô trở thành hình mẫu tiêu biểu của sinh viên thế hệ mới - bản lĩnh, trách nhiệm và đầy khát vọng.
Chàng trai đến từ đất học Nam Định và hành trình sống hết mình với tuổi trẻ

Chàng trai đến từ đất học Nam Định và hành trình sống hết mình với tuổi trẻ

SVVN - Học tập xuất sắc, cống hiến hết mình, dấn thân không ngừng nghỉ - Trịnh Đình Bình, chàng trai đến từ quê hương hiếu học Nam Định, hiện là sinh viên năm 4 Học viện Hành chính và Quản trị công đang từng ngày khẳng định giá trị của tuổi trẻ: sống trọn vẹn để không hối tiếc.
Từ sinh viên kinh tế đến người mẫu ảnh, hành trình tìm lại đam mê

Từ sinh viên kinh tế đến người mẫu ảnh, hành trình tìm lại đam mê

SVVN - Nguyễn Hải Yến ( sinh năm 2005) hiện đang là sinh viên trường Đại học Tài chính Ngân hàng (FBU) và là một người mẫu ảnh tự do đầy đam mê. Hải Yến đang ngày càng khẳng định bản thân trên hành trình theo đuổi cái đẹp, vượt qua những định kiến và tìm thấy niềm vui trong công việc mình yêu thích.
Nam sinh Báo chí trên hành trình khám phá và cống hiến mỗi ngày

Nam sinh Báo chí trên hành trình khám phá và cống hiến mỗi ngày

SVVN - Đỗ Ngọc Nam là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với tinh thần cầu tiến cùng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nam đã và đang khiến chặng đường thanh xuân của bản thân trở nên ý nghĩa và đầy ấn tượng. Điều đó được minh chứng qua những thành tích học tập nổi bật và tinh thần sôi nổi của Ngọc Nam trong các hoạt động cộng đồng.