SVVN - Thương mẹ một mình chăm em trai bị bại não, Bùi Đức Tuyển không ngần ngại bỏ tấm bằng đại học sang một bên, về quê lập nghiệp để được sống gần gia đình.
Năm 2013, cậu sinh viên Bùi Đức Tuyển (hiện 28 tuổi) tốt nghiệp Học viện Tài chính Hà Nội chuyên ngành Kế toán. Nhà có 3 chị em, chị gái lấy chồng lúc Tuyển tốt nghiệp đại học, còn em trai út thì bị bại não. Tuyển bỏ lại tất cả những cố gắng học hành của mình để về quê lập nghiệp cũng như có thêm thời gian chăm sóc gia đình.
Trở về Phú Thọ lúc cuối năm 2013, Tuyển nhờ bố mẹ thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng 300 triệu đồng để nuôi lợn và trồng cây ăn quả. Cậu lên xã xin khai hoang vùng đất trũng cách nhà 1km và xây được trang trại rộng 5.000m2.
Đức Tuyển bên đàn lợn thịt trong trang trại.
Những ngày đầu, trang trại không có điện nước, Tuyển phải kéo dây lấy điện từ trạm biến áp và lắp ống lấy nước suối trên núi cách đó 300m. Bắt đầu bằng việc trồng cây, Tuyển chạy xe máy 200km lên Đại học nông nghiệp Hà Nội mua 200 cây mít và 80 cây bưởi da xanh. Bên cạnh đó, Tuyển cũng hoàn tất chuồng lợn và tìm mua lợn con.
Có lần Tuyển bị người khác mỉa mai có bằng đại học lại về quê nuôi lợn, ban đầu Tuyển cúi mặt bỏ đi nhưng đến lần thứ 2 thì anh đáp: "Khi bạn bỏ qua thể diện để kiếm tiền, điều đó cho thấy bạn đã hiểu biết. Thể diện làm gì khi đàn ông mà không dám nghĩ đến việc làm giàu".
Sau nửa tháng, chuồng lợn của Tuyển đã có 70 con lợn giống. Nhưng 50 con trong số đó đi phân lỏng, bỏ ăn và có nguy cơ chết. Để cứu đàn lợn, Tuyển phải bỏ 12 tiếng/ngày trong suốt 1 tuần để chăm sóc cho chúng khỏi bệnh. Con nào chưa tự ăn được thì phải bón, con nào lớn thì cho uống lá sim, lá ổi đun để mau chóng hồi phục.
Sau 4 tháng, lứa lợn đầu tiên xuất chuồng và Tuyển lãi được 50 triệu. Anh dùng toàn bộ số tiền đó để mua 100 con tiếp theo. Vì mong lợn mau chóng xuất chuồng, Tuyển tăng lượng cám và kết quả là một nửa bị bệnh, nhiều con lăn ra chết. Lứa thứ 2 thua lỗ nặng.
Trải qua rất nhiều khó khăn trong lúc nuôi lợn giúp Tuyển có thêm nhiều kinh nghiệm chăn nuôi quý báu.
Rút kinh nghiệm 2 lần trước, Tuyển quyết định bỏ 140 triệu mua 14 con lợn nái thay vì lợn giống. 6 tháng sau, chúng bắt đầu sinh sản. Nhớ lại những lần "đỡ đẻ" cho lợn, Tuyển vẫn không thể quên được. Có khi lợn mẹ chết vì nhiễm trùng do để sót con và rau, cũng có khi lợn con sinh ra không có đàn ghép, thiếu sữa mẹ nên cũng chết theo. Tiếc công tiếc của nhưng Tuyển vẫn không ngừng rút kinh nghiệm và thế là những lứa tiếp theo anh đều thắng lớn. Sau 2 năm, anh trả hết nợ và có thêm khoản dư để mở rộng quy mô trang trại. Từ đàn lợn 14 con nái, anh phát triển lên thành đàn 30 con nái và 400 con thịt, trồng 2.000 gốc mít và 1.200 gốc măng Mạnh Tông. Sau 4 năm, những gốc mít đầu tiên được bón phân lợn thu về hơn 100 triệu đồng lợi nhuận.
Tháng 1/2016, Tuyển thành lập hợp tác xã nuôi lợn từ 20 thành viên trong làng. Hợp tác xã hoạt động theo mô hình khép kín từ con giống đến nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Lợn để các xã viên nuôi, Tuyển rong ruổi khắp Phú Thọ để tiếp thị nguồn thịt tươi sống cho các trường mầm non. Tuy nhiên, tiếp thị 40 trường thì chỉ có 2 trường đồng ý và lợn nuôi ra không có chỗ tiêu thụ, hợp tác xã lại phải bán cho thương lái với giá rẻ.
Không nản chí, Tuyển tiếp tục xây dựng kế hoạch mời phụ huynh, thầy cô đến trang trại để trực tiếp tham quan mô hình sản xuất khép kín của hợp tác xã. Từ 2 trường đồng ý hợp tác, con số lên tới 20 trường. Tính đến năm 2020, đã có 60 bếp ăn bán trú các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiêu thụ thực phẩm của hợp tác xã này. Doanh thu năm 2019 là 9 tỷ đồng.
Bùi Đức Tuyển (áo xanh) thuyết minh về mô hình của hợp tác xã với khách tham quan.
"Chỉ cần luôn vận động suy nghĩ, không cạn ý chí thì sản phẩm nông nghiệp nào cũng có thể hái ra tiền", Bùi Đức Tuyển chia sẻ.
Ngoài đàn lợn, hiện Tuyển còn cho chăn nuôi gà, cá để cung cấp cho bếp ăn của các trường. Bên cạnh đó, anh cũng nghiên cứu làm mít sấy khô để giải quyết vấn đề nguồn hoa quả tươi không kịp tiêu thụ.
Nguồn ảnh: FB Bùi Đức Tuyển
Theo Tổng hợp