Câu chuyện cha truyền con nối 'Tiếng trống học ban đêm'

Ông Nguyễn Văn Chung - người đã gần 5 năm tình nguyện phát "Tiếng trống học ban đêm" để nhắc nhở các cháu nhỏ trong thôn Trác Bút học bài. Ảnh: Gia đình và Xã hội
Ông Nguyễn Văn Chung - người đã gần 5 năm tình nguyện phát "Tiếng trống học ban đêm" để nhắc nhở các cháu nhỏ trong thôn Trác Bút học bài. Ảnh: Gia đình và Xã hội
“Tiếng trống học ban đêm” được phát đều đặn vào 19h hàng ngày để nhắc nhở các học sinh thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) bắt đầu ngồi vào bàn học.

“Bây giờ đã đến giờ học tập của các cháu, Hội Khuyến học thôn Trác Bút yêu cầu các hộ gia đình hãy vặn nhỏ đài, vô tuyến và đôn đốc con em mình ngồi vào bàn học… Tùng! tùng! tùng! tùng…”.

“Tiếng trống học ban đêm” là một truyền thống ý nghĩa đã được duy trì hơn 10 năm nay ở thôn Trác Bút, được coi như “đòn bẩy” nâng tinh thần học tập của thôn lên cao. Từ ngày có “Tiếng trống học ban đêm”, phong trào học tập trong thôn diễn ra sôi nổi, các cháu học sinh chăm ngoan, tiến bộ hơn và đạt được kết quả cao hơn. Đó là những lời nhận xét chung của người dân trong thôn.

Người làm “tiếng trống học ban đêm” thêm “rộn rã”

Đến thôn Trác Bút, hỏi ông Nguyễn Văn Chung – người từng phụ trách phong trào “Tiếng trống học ban đêm”, thì ai ai cũng biết, vui vẻ chỉ đến tận nhà.

Ông Chung sau khi về nghỉ hưu đã tình nguyện làm cái việc mà mọi người thường hay trêu đùa là “vác tù và hàng tổng”: tối tối, cứ vào giờ mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình thì ông Chung lại lóc cóc đạp xe ra nhà văn hóa của thôn.

Đúng 7 giờ là ông bật loa phát tiếng trống báo đã đến giờ học bài để cha mẹ các cháu học sinh nhắc nhở con mình ngồi vào bàn học. Thấm thoắt đã gần 5 năm trời, không kể trời mưa gió hay những tối mùa đông giá lạnh ông đều thực hiện việc bật loa rất đúng giờ.

Nhớ lại những ngày đầu làm việc, ông Chung chia sẻ: “Ngày đó, làng chưa có đèn đường như bây giờ, tôi cứ đi ra ngoài đình bật loa là phải mang theo đèn pin nhỏ. Có hôm tối mùa đông đi muộn, để kịp giờ nhắc các cháu học bài, vội vàng quên cả đèn pin, khi xong việc trở về nhà trời tối bưng, đi xe loạng choạng tôi phải xuống dắt xe đi bộ về nhà”.

Chia sẻ công việc, niềm vui, cũng như sự nhọc nhằn với ông Chung là vợ của ông - giáo viên về hưu. Biết được tâm nguyện của chồng mình, bà đã luôn động viên, hỗ trợ ông trong công việc. Nhiều lúc hai vợ chồng trêu nhau, cùng “vác tù và hàng tổng”.

Để việc nhắc nhở các cháu nhỏ ngồi vào bàn học đúng giờ và học có hiệu quả, sau khi ông phát loa, bà với tư cách là một giáo viên về hưu thường xuyên cùng chồng “vi hành” làng trên xóm dưới, kiểm tra xem các cháu có thực hiện đúng không.

Cháu nào thực hiện đúng, tốt sẽ được ghi nhận, tuyên dương; cháu nào chưa thực hiện tốt sẽ bị nhắc nhở, phê bình. Cứ như thế, phong trào học tập trong thôn phát triển một cách sôi nổi, kết quả học tập của các cháu tăng lên rõ rệt khiến cả làng xóm mừng vui.

Tuổi già không tránh được những khi đau ốm, tính trước được điều này, ông Chung đã hướng dẫn “bà xã” sử dụng hệ thống loa đài chỉnh âm thành thạo. Mỗi khi trái nắng trở trời, ốm đau không thể ra phát tiếng trống học bài được, ông lại “cắt cử” bà xã đi thay. Chính vì thế mà trong gần 5 năm làm việc, ông Chung chưa hề để “lỡ” một buổi tối nhắc nhở các cháu học tập nào!

Sự trao truyền tâm nguyện giữa hai thế hệ

Ông Chung là trưởng nam của cụ Nguyễn Văn Thúc, nguyên Bí thư Huyện uỷ Yên Phong từ 1958 - 1963, người cán bộ được nhân dân Yên Phong kính trọng, tin yêu bởi tài năng và đức độ.

Cụ về hưu, từ năm 1984 đến năm 1998, khi mà tổ chức Hội Khuyến học chưa thành lập, cụ Thúc đã phối hợp với các trường có nhiều biện pháp thiết thực khuyến khích, động viên khen thưởng những học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các cháu học sinh.

Đặc biệt, sau một thời gian dài suy nghĩ, trăn trở tìm giải pháp quản lý hiệu quả học sinh ngoài nhà trường ở địa phương, cuối năm 1998, cụ Thúc đã trở thành người khởi phát “Tiếng trống học ban đêm” ở huyện Yên Phong và cần mẫn hiện thực hoá phong trào này tại thôn Trác Bút.

Nội dung của “Tiếng trống học ban đêm” do cụ Thúc nghĩ ra và tự thu âm vào băng cát sét, rồi phát trên hệ thống các loa truyền thanh trên toàn địa bàn thôn Trác Bút. Cụ Thúc đã tự nguyện với việc làm không công này suốt từ năm 1998 đến tận khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 2004.

Ông Chung trầm ngâm: “Lúc lâm trung, ông cụ chỉ có một tâm nguyện làm sao duy trì được “tiếng trống học ban đêm”. Tôi thực hiện công việc ấy phần vì sự ủy thác của cụ và phần vì tìm được niềm vui tuổi già khi về nghỉ hưu”.

Mấy năm gần đây, thấy sức khỏe của mình yếu đi nhiều, đôi mắt đã mờ hơn, đôi chân cung yếu hơn, ông Chung quyết định “trao truyền” công việc phát loa “tiếng trống học ban đêm” – tâm nguyện của cụ Thúc cũng như của ông cho người em trai thứ là Nguyễn Văn Bình. Ông Bình hiện giờ đang là tổ trưởng tổ thông tin của Hội khuyến học thôn Bút Trác.

Nói về phong trào “Tiếng trống học ban đêm”, cô Ngô Thị Hằng, một người dân trong thôn chia sẻ: “Các cháu nhà tôi cứ nghe thấy tiếng trống 7h tối là tự giác ngồi vào bàn học, không đợi bố mẹ nhắc nhở. Con cái ngoan ngoãn, chú tâm học hành thì còn gì vui hơn!”.

Bà Diệp, ở gần nhà văn hóa thôn hồ hởi: “Tối nào tôi cũng nghe “Tiếng trống học ban đêm” thành quen. Thứ 7, Chủ nhật loa không phát để các cháu nghỉ cuối tuần nên thấy thiêu thiếu. Nhờ công cụ Thúc, rồi đến ông Chung, và giờ là ông Bình tiếp nối nữa mà mấy đứa cháu nhà tôi, giờ thành cái nếp học hành, không cần phải giục hay nhắc, hễ nghe loa phát tiếng trống là ngoan ngoãn ngồi vào bàn học.”

“Tiếng trống học ban đêm” gắn với gia đình hai thế hệ trao truyền đã trở thành thân quen, gần gũi với dân làng Trác Bút từ bao năm nay. “Tiếng trống học ban đêm” đã mang lại không khí học tập cho các cháu trong cả thôn, làm nên niềm vui cho biết bao gia đình khi có con cháu chăm ngoan, học giỏi!

Theo Nguyễn Quỳnh

Theo Gia đình & xã hội
MỚI - NÓNG