Kỷ niệm ngày đất nước tạm thời chia cắt 20/7/1954

Câu chuyện giới tuyến: Một đời người lạ hơn tiểu thuyết

0:00 / 0:00
0:00
Nhà giáo Thân Trọng Ninh (1922-2018) bên kho nhật ký của mình ảnh: PXD
Nhà giáo Thân Trọng Ninh (1922-2018) bên kho nhật ký của mình ảnh: PXD
TP - Ngày 20/7/1954 Hiệp định Geneve được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) làm ranh giới để chờ đến 2 năm sau (tháng 7/1956) tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng mãi đến 21 năm sau (tháng 4/1975), non sông ta mới liền một dải…

Huế, một buổi sáng tiết trời dịu nhẹ mấy năm trước.

Ông lão độc thân tuổi ngoài 90 (sinh năm 1922) dáng người dong dỏng cao, lưng thẳng, gương mặt trí thức, tinh anh, điềm đạm tiếp tôi trong thư phòng của mình. Khi tôi đến, ông vẫn đang làm việc. Ông nói từ tốn, âm sắc rõ ràng của một nhà giáo lâu năm: “Hôm nay tôi sẽ kể chuyện đời tôi, đặc biệt có những điều tôi chưa hề nói với ai bao giờ”.

Ông là Nhà giáo ưu tú Thân Trọng Ninh, nguyên giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Huế, thuộc dòng họ danh gia vọng tộc ở đất cố đô.

Nhật ký dài 70 năm

Đó là cuốn nhật ký viết xuyên thế kỷ, kéo dài gần bảy mươi năm và hầu như không thiếu một ngày của ông.

Vừa nói chuyện, ông Ninh vừa lục tìm, nâng niu lần giở những trang nhật ký kể lại cuộc đời của mình. Đó là những trang giấy biết nói, và không chỉ thuật lại chuyện đời của riêng chỉ một người.

Ông Ninh cho biết, ông muốn ghi lại những gì xảy ra với cuộc đời mình, với quê hương đất nước nên đã bắt đầu dùng nhật ký từ năm 1945, đều đặn từng ngày một. Rồi khi đi kháng chiến, sống một mình, ông càng có nhu cầu tâm sự với chính mình nên cuốn nhật ký là người bạn không thể thiếu. Nhiều khi khó khăn, không có giấy, ông phải nhặt từng tờ lịch để ghi chép, nhưng quyết không bỏ dở. Ông kể: “Đúng là không dễ để theo đuổi việc viết nhật ký quá lâu dài, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nay đây mai đó, thiếu thốn nhiều bề nhưng tôi vẫn kiên trì thực hiện điều mình mong muốn. Và tôi đã làm được, nhật ký đã thành người bạn tri âm để mình tâm sự vui buồn, để giải tỏa lòng mình. Chưa kể nó ghi lại rất nhiều biến động trong cuộc đời mình...”

Tôi nhìn gia tài nhật ký của ông, gần cả một gánh được xếp ngay ngắn trong thùng theo hết một đời người. Tôi buột miệng hỏi trong hoàn cảnh kháng chiến khói lửa đầy trời, mạng sống có khi còn không giữ được, làm sao ông có thể giữ được những cuốn nhật ký như vậy. Ông cười đáp: “Tôi giữ nhật ký như bảo vật. Mỗi lần chuyển chỗ ở, một trong những thứ đầu tiên tôi nghĩ đến phải mang đi, đó là nhật ký. Chẳng hạn khi đi từ Nghệ An về Phong Chương (Thừa Thiên-Huế), tôi may một cái túi đựng nhật ký đeo trước ngực, người còn, nhật ký còn”.

Tôi được xem nhật ký của ông, bắt đầu viết sau lễ Quốc khánh 2/9 đúng 4 ngày. Ngày 6/9/1945, nhật ký ghi: “Thấy anh em náo nức ghi tên tòng quân, mình cũng đến Nha Dân vệ để tình nguyện vào nhập ngũ. Độ này gia đình tản cư lên Nguyệt Biều-Khám sức khỏe xong, lên nhà nói chuyện lại với Cậu Mạ (bố, mẹ)...”

Cuốn nhật ký quý giá này không chỉ là lịch sử một tâm hồn, lịch sử một cuộc đời trường thọ đầy biến động mà còn là một phần đáng kể của lịch sử dân tộc mà người viết là một nhân chứng hiếm hoi. Một con người tuy gắn bó với nghề dạy học nhưng lại làm nhiều việc khác nữa cũng rất hữu ích và lý thú...

Làm báo, chế thuốc nổ, dạy học và chụp ảnh

Ông hé lộ: “Nói với anh, tôi cũng có làm báo. Chuyện là thế này: Khi tôi tốt nghiệp tú tài thì người Pháp ở Huế gọi tôi lên, mời tôi cộng tác. Cứ cuối ngày, tôi đạp xe đến tòa Khâm sứ Pháp ở Huế rồi nghe đài BBC, bản tin tiếng Pháp, nghe xong dịch lại đưa cho người Pháp làm bản tin France An Nam. Sau này khi tham gia kháng chiến, biết tôi có thời gian làm báo nên cấp trên giao tôi làm tờ báo có tên “Chiến sĩ” của Liên khu Bốn. Đó là tờ báo đầu tiên của quân đội, ra được 17 số rồi phải dừng vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, tờ “Quân đội nhân dân” về sau này mới ra đời. Chi tiết này rất ít người biết”.

Hết làm báo, vì có kiến thức về Sinh hóa nên ông lại được phân công làm ở phòng thí nghiệm điều chế A-xít-sun -phua-rích (H2SO4), nguyên liệu của thuốc nổ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) do GS Phạm Công Ái phụ trách. Phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả được Bộ Quốc phòng tuyên dương công trạng vào 25/2/1948. Hai năm sau, ông lại được điều về dạy học ở Phong Chương, đến khi nước non chia cắt, ông tiếp tục nghề giáo với nhiều nỗi thăng trầm...

Ngày 10/10/1954 khi bộ đội ta tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông cùng đồng bào vui sướng tột cùng. Ông hân hoan nhớ về sự kiện lịch sử: “Lúc ấy ai cũng mừng vui vô hạn. Tôi cứ háo hức muốn ghi lại bằng được sự kiện thiêng liêng của cả dân tộc, thành quả của 9 năm kháng chiến. May mắn là tôi chụp được những bức ảnh ngày giải phóng thủ đô”. Ông là người kịp thời chụp rất thành công những khoảnh khắc lịch sử trọng đại, được các nhà sử học nổi tiếng và công chúng đánh giá cao. Cố GS Trần Quốc Vượng đã vui mừng khi nhận ra mẹ mình trong một bức ảnh của nhà báo không chuyên Thân Trọng Ninh.

“Cuộc đời riêng của tôi và gia đình tôi có những thiệt thòi, mất mát, bản thân tôi nhiều khi cũng thấy áy náy với mẹ, với nhà tôi, cô Trinh. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một phần của lịch sử dân tộc mình. Tôi vẫn nghĩ rằng mình lựa chọn đúng, nếu quay lại tôi cũng vẫn như thế, không thể từ bỏ lý tưởng của mình”.

Nhà giáo Thân Trọng Ninh

Nhìn ông mân mê những thước phim tư liệu và những bức ảnh như báu vật, đôi mắt sáng lên vì xúc động, tôi hiểu lịch sử nước nhà đã thành máu thịt trong con người sống gần thế kỷ.

Tình duyên chia cắt

Tình duyên ông mới thực là éo le trăm nỗi. Khi nhắc đến chuyện riêng, giọng ông Thân Trọng Ninh như chùng lại: “Tôi có vợ mà như không có”. Vợ ông tên là Lê Thị Lợi Trinh, sinh năm 1930 làm nghề dược sĩ.

Hai người yêu nhau thắm thiết nhưng khi đám cưới ở Huế lại vắng rể, vì ông đang bận công tác ở Hà Nội, không về được. Vợ ông ra với ông một thời gian ngắn ngủi rồi lại vào Nam vì công việc khi đó Hiệp định Geneve sắp có hiệu lực. Hôm chia tay, ông nói với vợ: “Em cứ vào trước, anh ở ngoài này tranh thủ học hành thêm. Hai năm đất nước tổng tuyển cử, mình lại gặp nhau”. Ông nói như tiếng thở dài: “Tưởng hai năm không ngờ là hai mươi năm...”.

Cô Trinh vợ ông chờ chồng đằng đẵng, rồi gia đình thúc giục, cô lại tái giá. Được một thời gian, người chồng sau bị tai nạn máy bay, để lại đứa con gái còn trong bụng mẹ mới tám tháng. Từ đó cô ở vậy nuôi con.

Câu chuyện giới tuyến: Một đời người lạ hơn tiểu thuyết ảnh 1

Trung đoàn Thủ đô đi qua Bờ Hồ sáng 10/10/1954 ảnh: Ông Thân Trọng Ninh

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về thăm nhà, thăm mẹ rồi vội vàng vào thành phố Sài Gòn để gặp cô Trinh. Nhưng thật không ngờ. Ông nhớ lại: “Tôi đến tiệm thuốc tây của Trinh thì mấy người làm công cho hay, Trinh đã ra nước ngoài trước đó một ngày”

Sau này ông có dịp sang Pháp, biết cô Trinh ở Mỹ nhưng hoàn cảnh cứ xô đẩy để hai người không thể gặp nhau, dù chỉ một lần cho đến cuối đời. Ông lấy cô Trinh nhưng không có con và vẫn sống độc thân suốt cả cuộc đời đến lúc qua đời năm 2018 ở tuổi 96. “Trinh vẫn thương tôi như tôi thương Trinh. Chính cô ấy đã mong muốn và tác hợp đứa em trai ruột của mình với cô em gái con chú ruột của tôi. Tôi nghe kể lại, cô ấy nói: “Đời chị đã không sống được với anh Ninh thì cầu cho hai đứa em đến được với nhau và hạnh phúc”, ông từng tâm sự.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG