Quy trình xử lý và mô hình thực tế tái chế rác hữu cơ tại trường. |
Theo TS Phạm Phú Song Toàn - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường, giảng viên hướng dẫn khoa học của nhóm cho biết, ý tưởng giải pháp của đề tài và sản phẩm xuất phát từ nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn tại các trường phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng. Hệ thống xử lý chất thải rắn hữu cơ được nhóm nghiên cứu sáng tạo nhờ công nghệ Vessel được phát triển theo hướng tối giản, vừa đảm bảo thuận tiện để ứng dụng rộng rãi vừa đảm bảo hợp lý hoá, đạt hiệu quả cao trong xử lý ô nhiễm.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của TS Phạm Phú Song, nhóm đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo, vận hành thành công hệ thống với phiên bản T-COM V2.0.
Dự án của nhóm triển khai tại trường tiểu học Trần Đại Nghĩa. |
Theo trưởng nhóm Trần Trương Hoàng Vy, sáng tạo của nhóm còn được tham gia vào dự án “Quản lý rác thải trường học” tại Đà Nẵng, trực tiếp lắp đặt, vận hành và bàn giao hướng dẫn trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (Quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và tháng 7/2021. Đây là trường học đầu tiên ở Đà Nẵng triển khai mô hình “Quản lý tối ưu rác thải trong trường học” do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ.
Hệ thống này có thể xử lý hơn 10kg/ngày rác thải từ nhà bếp của nhà trường, giảm đáng kể lượng rác thải phát sinh, không phát sinh mùi và nước rỉ rác dù đặt ngay sát khu bếp. Kết quả sản phẩm sau khi ủ cũng được kiểm định bởi Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 2, mọi thông số đều đảm bảo sự an toàn cho mục đích sử dụng trong nông nghiệp và cải tạo đất.
Theo nhóm, hệ thống Vessel Composter tái chế rác hữu cơ từ bếp với Version 2.0 đã ổn định hơn, hiệu quả tốt sau 3 tuần ủ. Hệ thống này có thể xử lý rác hữu cơ từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… thành phần chiếm khoảng 50% lượng rác phát sinh. Việc ứng dụng mô hình có thể tác động tích cực đến hệ thống quản lý rác thải đô thị vốn đang quá tải: giảm lượng rác phát sinh góp phần giảm lượng rác lên bãi, giảm lượng rác hữu cơ từ đó nâng cao nhiệt trị của rác cho quá trình đốt tập trung. Việc giảm rác hữu cơ còn góp phần giảm 50% rác phát sinh và chi phí thu gom. Sản phẩm sử dụng sản phẩm compost góp phần cải thiện đất và bón cây trồng.
Ưu điểm nổi bật của hệ thống còn ở chỗ không mùi hôi, vận hành đơn giản, thời gian xử lý ngắn và chi phí đầu tư không cao. Trong giai đoạn tiếp theo nhóm sẽ chọn các đơn vị khách sạn, nhà hàng… để thí điểm.
Mô hình được lắp đặt thử nghiệm tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng). |
Tại Hội nghị thường niên của VZWA phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) và Hệ thống giáo dục Genesis bình chọn giải Nhất trong Chương trình “Câu chuyện không rác”, qua đó trở thành mô hình giải pháp sáng tạo được yêu thích nhất và hiệu quả trong quản lý rác thải, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Trước đó, đề tài cũng đã đạt giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2020-2021.
Trưởng nhóm Trần Trương Hoàng Vy cho biết: “chúng mình rất hứng thú với những nghiên cứu thiết thực, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng vào thực tế để giải quyết các vấn đề của xã hội, cộng đồng. Nghiên cứu giúp cho chúng mình rất nhiều trong việc tiếp thu kiến thức một cách tích cực và chuyển bài học thành kiến thức của mình để vận dụng trong cuộc sống”.