Cây xanh trong trường học: Để nhà trường quản lý là chưa đủ

Cây phượng nếu bị quây bê tông, rất dễ đổ bật gốc dù không mưa bão. Ảnh minh họa
Cây phượng nếu bị quây bê tông, rất dễ đổ bật gốc dù không mưa bão. Ảnh minh họa
TPO - Sau 2 vụ đổ cây xanh liên tiếp, các quận, huyện ở Hà Nội cấp tốc lập thêm đoàn kiểm tra, rà soát cây xanh tại các trường học, thay vì giao cho nhà trường tự quản lý, đề xuất như trước đây.

Việc cây phượng liên tục đổ gây nguy hiểm cho học sinh khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Tham khảo tại một số trường tiểu học, trung học trên địa bàn thành phố Hà Nội, cây xanh trong khuôn viên trường đều do các trường tự quản lý. Với cây có dấu hiệu mục, ruỗng, nguy cơ gãy đổ, nhà trường sẽ báo cáo cho UBND quận, huyện. Sau đó, UBND quận, huyện sẽ cử cán bộ phòng đô thị, cùng cơ quan chuyên môn về cây xanh xuống đánh giá, lập biên bản, xử lý đánh chuyển cây và thay thế cây theo quy định.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội có Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội được giao duy trì, duy tu, cắt sửa, chặt hạ cây xanh đô thị tại các tuyến đường. Còn UBND cấp quận quản lý hệ thống cây xanh tại trường học, trụ sở làm việc.

Tuy nhiên, quy trình này theo một số chuyên gia là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Chuyên gia Nguyễn Xuân Lâm, chủ một đơn vị cung cấp nhiều dự án cây xanh cho Hà Nội, cho biết, nhiều cây phượng, xà cừ vẫn cây lá xanh tốt, cảm quan là tốt nhưng lại có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào nên việc để các trường tự đánh giá sẽ không chính xác.

Theo ông Lâm, vì sinh trưởng nhanh, thân và cành phượng rất mềm, dễ bị mục ruỗng. Đặc biệt, rễ cây phượng ăn nổi, dễ bị hỏng khi trồng và bảo vệ không đúng cách. Trong khi đó các trường học thường quây bê tông quanh gốc cây, khiến cây dễ bị bật gốc vì bộ rễ không phát triển được. “Quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, làm cây không phát triển không cân bằng, do đó không cần mưa bão mà chỉ cần gió to cũng có thể làm đổ cây”, ông Lâm nói.

Bà Nguyễn Thu Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Hai Bà Trưng cho biết thêm, việc quản lý đảm bảo an toàn cây xanh, hạ tầng trong trường học được quận thường xuyên rà soát. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các em học sinh sẽ nghỉ hè muộn, phải học cả vào thời gian mùa mưa bão. Do đó, quận đã chủ động rà soát toàn bộ các trường tiểu học, trung học trên địa bàn. “Tất cả những cây xanh có dấu hiệu mục, ruỗng sẽ được xử lý ngay, đảm bảo an toàn cho học sinh”, bà Thu Anh nói.

Ở một số quận, huyện, các phòng đô thị cũng đã “cấp tốc” kiểm tra, rà soát các trường học trên địa bàn. Thậm chí rà soát thêm cả các trường cấp 3 (vốn không thuộc quản lý của quận, huyện) để đảm bảo an toàn. Theo các quận, huyện, công tác rà soát cây cối được thực hiện theo định kỳ. Tuy nhiên, ngoài việc nhà trường tự quản lý cây xanh nay sẽ có thêm các phòng ban, đơn vị chăm sóc cây xanh cùng thực hiện để đảm bảo tối đa cho học sinh học tập, sinh hoạt trong đợt mưa bão sắp tới.

Về góc độ quản lý cây xanh, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị này không quản lý cây xanh tại các trường học, việc này do các trường quản lý. Tuy nhiên, khi các trường có đề nghị phối hợp, công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.