Chậm kiểm toán các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ gây hậu quả trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo lộ trình thoái vốn, rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, sau khi tái cơ cấu, vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ dưới 50% vốn điều lệ, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn rất lớn. Theo chuyên gia, nếu bỏ qua, không kiểm toán các doanh nghiệp này có thể gây hậu quả trong tương lai.

Chỉ nhăm nhe đất “vàng”, “kim cương”

Ngày 6/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Kiểm toán đối với DN do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ”. Theo TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng KTNN, việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau, được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất. Bên cạnh đó, quy định về quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa khung giá do nhà nước quy định và giá thị trường, dẫn đến nhiều tiêu cực…

Chậm kiểm toán các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ gây hậu quả trong tương lai ảnh 1

TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng KTNN phát biểu tại hội thảo

Chính vì vậy, theo bà Dung, cần phải làm rõ thực trạng quản lý, việc kiểm tra, giám sát đối với vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Đồng thời, tập trung làm rõ vai trò của KTNN trong việc kiểm toán các doanh nghiệp này, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, theo các quy định hiện hành, trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện công tác xử lý tài chính, bao gồm kiểm kê, phân loại, xử lý tài sản, công nợ, vốn đầu tư, các quỹ... Việc này có thể dẫn đến thất thoát, suy giảm giá trị phần vốn nhà nước.

“Trong hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp, KTNN tiến hành kiểm tra tính chính xác của kết quả xác định giá trị doanh nghiệp do các đơn vị tư vấn định giá đưa ra, giúp ngăn chặn nguy cơ thất thoát vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do bị định giá thấp, đồng thời góp phần tối đa hóa lợi ích chính đáng của nhà nước thu về thông qua cổ phần hóa. Vì vậy kiểm toán góp phần làm minh bạch công tác xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp, giảm nguy cơ thất thoát vốn nhà nước”, ông Long nêu.

Đáng lưu ý, theo ông Long, giai đoạn hậu cổ phần hóa cũng còn nhiều sai sót, tồn tại cả về xử lý tài chính cũng như công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Đối với đất đai, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sử dụng sai mục đích, đặc biệt khi liên quan đến cổ phần hóa.

“Như chúng ta đã thấy, thời gian qua nhiều nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì các khu đất “vàng”, “kim cương” do các đơn vị này nắm giữ. Vai trò của KTNN trong việc này đặc biệt quan trọng, qua các cuộc kiểm toán đã chỉ ra được một số vấn đề sai phạm từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.

“Việc tính tiền thuê đất 1 lần vào giá trị doanh nghiệp và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là “lỗ hổng” để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chiếm quyền sử dụng các khu đất “vàng”, xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại. Chính điều này làm thất thoát tiền sử dụng đất vì định giá đất không sát giá thị trường”, theo ông Long, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, có quy định cụ thể về việc xác định giá trị lợi thế đất đai, thương hiệu, giá trị truyền thống... ngăn chặn gian lận, vi phạm chính sách, minh bạch công tác cổ phần hóa.

Chậm vào cuộc sẽ gây hậu quả lớn

Trong khi đó, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XIII Phạm Thanh Sơn cho rằng, nếu chỉ dựa vào tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước tại Điều 88, Luật Doanh nghiệp năm 2020 để xác định đơn vị được kiểm toán thì nhiều trường hợp sẽ bỏ sót những khoản đầu tư lớn của nhà nước vào các doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, đơn vị lớn nhất là Công ty Phát hành sách (FAHASA) chiếm tới 40% tổng doanh thu toàn Tổng công ty, nhưng vốn nhà nước tại Công ty này lại nhỏ hơn 50%.

Ngoài ra, theo lộ trình thoái vốn nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, sau khi tái cơ cấu, vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ dưới 50% vốn điều lệ, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn rất lớn, điển hình như: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)…

“Việc bỏ qua, không kiểm toán các doanh nghiệp này có thể gây hậu quả lớn trong tương lai”, ông Sơn cảnh báo, đồng thời cho rằng, giai đoạn này cần đẩy mạnh việc kiểm toán các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Bởi theo ông, nếu chậm trễ có thể sẽ gây hậu quả lớn do mất an toàn đối với một lượng lớn vốn nhà nước còn đầu tư tại các doanh nghiệp này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.