Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Độc nhất vô nhị

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nghệ sĩ thường không thích lối mòn và ai cũng mong muốn có lối đi riêng để kiếm tìm những điều mới mẻ. Tranh vỏ trứng của tôi là một ví dụ. Và tôi vẫn luôn tự hào rằng, mình đã vượt qua rất nhiều chông gai để nuôi và sống cùng đam mê” - họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng nói về hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

Độc đáo bức tranh “Vị tướng vì Hòa bình”

Theo họa sĩ Vượng, để hoàn thành một bức tranh chất liệu vỏ trứng người nghệ sĩ phải bỏ công sức, tâm huyết gấp năm, gấp mười lần một bức tranh bình thường. Vỏ trứng sau khi thu gom được, phải rửa sạch, khử tanh, sấy thật khô, phân loại màu sắc để thuận tiện khi sử dụng. Mỗi loại trứng có một màu sắc khác nhau như: trứng vịt màu trắng, trứng gà ta màu vàng nhạt, trứng gà công nghiệp lại có màu nâu nhạt, gam màu tối thì dùng vỏ trứng chim cút hoặc trứng nướng. “Một bức tranh có thể phải dùng tới hàng nghìn quả trứng và hàng vạn mảnh ghép, nên để hoàn thành một bức tranh từ vỏ trứng mất khá nhiều thời gian và tâm sức. Chính vì thế nên từ năm 2020 đến nay, tôi chỉ hoàn thành được hơn chục bức tranh trứng” - họa sĩ Vượng cho biết.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Độc nhất vô nhị ảnh 1

Để hoàn thành bức tranh “Vị tướng vì hòa bình”, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng đã dùng hết hơn 1.000 vỏ trứng và 2 năm trời thực hiện

Bức tranh “Vị tướng vì Hòa bình” cơ bản hoàn thành và đang được chỉnh sửa một vài chi tiết nhỏ. Để hoàn thiện bức tranh này, họa sĩ Vượng đã dùng hơn 1.000 vỏ trứng các loại, cùng hàng vạn mảnh ghép của vỏ trứng và mất hơn 2 năm ròng rã, từ thai nghén cho đến bắt tay vào thực hiện.

Trong hơn chục bức tranh ấy, có lẽ mất nhiều tâm sức và thời gian nhất của họa sỹ Vượng là bức “Vị tướng vì Hòa bình” - một bức chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Cũng như bao người dân Việt Nam, tôi cũng rất yêu quý và kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi những bức tranh trứng đầu tay hoàn thành và được giới chuyên môn đánh giá cao, tôi nghĩ mình phải sáng tác một bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tỏ lòng biết ơn và tự hào về một người con quê hương Quảng Bình “lừng danh thế giới” - họa sỹ Vượng chia sẻ.

Họa sỹ Nguyễn Quốc Vượng là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình. Với lối đi riêng mang đậm cá tính nghệ thuật, anh Vượng đã cho ra đời những tác phẩm vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa in đậm phong cách cá nhân. Với bức tranh “Vị tướng vì Hoà bình”, sau khi ra mắt, anh Vượng mong muốn hiến tặng cho bảo tàng, gia đình Đại tướng, hoặc bán đấu giá để có một nguồn tiền làm từ thiện, giúp các trẻ em nghèo vượt khó.

Để thực hiện bức tranh “Vị tướng vì hòa bình”, anh Vượng đã nguyên cứu nhiều sách báo viết về thân thế, sự nghiệp cũng như tâm tư, tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đầu tiên anh chọn bức chân dung Đại tướng với gương mặt cương nghị, tay đưa cao nắm đấm, thể hiện quyết tâm chiến thắng quân thù. Anh chọn lá cờ đỏ sao vàng làm nền và điểm xuyết những chú chim bồ câu màu trắng đang vỗ cánh - biểu tượng cho cánh chim hòa bình. “Vẽ chân dung vốn đã khó, còn tạo chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng vỏ thì khó gấp vạn lần. Ngoài việc làm sao để bức tranh phải giống Đại tướng, cốt lõi nhất của bức tranh này phải toát lên thần thái của một vị tướng từng đánh thắng “hai đế quốc to” nhưng luôn yêu chuộng hòa bình” - họa sĩ Vượng tâm sự.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Độc nhất vô nhị ảnh 2

Bức tranh "Vị tướng vì hòa bình” cơ bản hoàn thành chờ ngày trình làng vào dịp

sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hiện bức tranh “Vị tướng vì Hòa bình” cơ bản hoàn thành và đang được chỉnh sửa một vài chi tiết nhỏ. Để hoàn thiện bức tranh này, họa sĩ Vượng đã dùng hơn 1.000 vỏ trứng các loại, cùng hàng vạn mảnh ghép của vỏ trứng và mất hơn 2 năm ròng rã, từ thai nghén cho đến bắt tay vào thực hiện. Mong muốn của anh là bức tranh sẽ được trình làng nhân dịp kỷ niệm 112 năm sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2023). Họa sỹ Vượng kỳ vọng tác phẩm sẽ góp phần giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về công lao, tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua đó, giáo dục cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ về niềm tự hào dân tộc…

Họa sĩ vỏ trứng

Sinh năm 1979, ở làng Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), Nguyễn Quốc Vượng cũng từng lăn lộn với cọng rơm, gốc rạ trên cánh đồng làng trước khi nhập học khoa Hội họa, Trường Nghệ Thuật - Huế. “Ngày ấy thấy tôi quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật gia đình không mấy ai ủng hộ. Vì mọi người nghĩ cái nghề ấy chỉ biết đốt tiền chứ không làm ra tiền, trong lúc kinh tế gia đình còn khó khăn. Và quả thật như thế. Ra trường tôi đã phải bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề để nuôi đam mê của mình cho đến ngày nay” - họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng tâm sự.

Tốt nghiệp năm 2002, họa sĩ Vượng phải chạy vào Sài Gòn, ngày thì làm ở khu vui chơi giải trí Suối Tiên, tối về dạy mỹ thuật cho các em học sinh; được một thời gian quay về Huế làm ở một công ty xây lắp, rồi về Nhà Thiếu nhi Quảng Bình làm thiết kế đồ họa và quản lí bộ môn họa. Không chỉ thế, thi thoảng người quen lại thấy anh Vượng đu người trên những giàn giáo cao chót vót tô tô, trát trát như một thợ nề thực thụ. “Tôi đắp phù điêu đó. Nghề này vất vả nhưng kiếm được tiền, nhờ nó mà bù đắp cho nghề hội họa của tôi đó” - anh Vượng tếu táo giải thích.

Họa sỹ Vượng tâm sự: “Là nghệ sỹ ai cũng mong muốn để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Càng đam mê, càng trăn trở, cứ mỗi lần đi xem triển lãm tranh về là lòng tôi lại nóng như lửa đốt, nhiều câu hỏi cứ vần vũ trong đầu. Và rồi một ngày đẹp trời của năm 2020, trong một lần đi làm về muộn, lấy mì tôm pha ăn, đập thêm quả trứng gà. Nhìn những mảnh vỡ của trứng vương vãi nổi bật trên mặt bàn màu tối, đầu tôi loé lên câu hỏi, sao mình không thử ghép những mảnh vỡ này thành một bức tranh?”.

Dù chỉ là ý tưởng thoáng qua, nhưng càng suy nghĩ về nó, họa sỹ Vượng lại càng thấy chất liệu này có cái gì đó thiêng liêng và thân thuộc. Dân tộc này được sinh ra từ 100 quả trứng của mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết. Còn nay thì những quả trứng có mặt khắp mọi nơi trong đời sống. Nghĩ là làm, anh Vượng tìm gom vỏ trứng gà, vịt của gia đình, hàng xóm, bạn bè để nghiên cứu, tìm tòi và hiện thực hóa ý tưởng. “Nhiều người thấy tôi tỉ mẫn lựa từng mảnh vỏ trứng đắp lên bức tranh, họ lại lắc đầu bảo: “Sao chọn kiểu nghệ thuật gì cực vậy?” Tôi chỉ biết cười… vì đó là đam mê” - anh Vượng tâm sự.

Tác phẩm tranh vỏ trứng đầu tay của họa sĩ Vượng có tên “Sông ngầm”. Những dòng sông ngầm len lỏi trong hệ thống núi đá vôi đồ sộ của Phong Nha - Kẻ Bàng đã tạo nên những hang động rộng lớn và kỳ vỹ nhất thế giới giúp anh lên ý tưởng sáng tác. Bức tranh này anh muốn giới thiệu về một Quảng Bình mang trong mình bí ẩn bất tận cần được khám phá. Tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXV năm 2020, bức tranh “Sông ngầm” được giới chuyên môn đánh giá cao.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.