Chặn vấn nạn quảng cáo bất chấp sự thật, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lợi dụng những lỗ hổng trong công tác quản lý, nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng đang được quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, bán với giá đắt đỏ. Cơ quan chức năng đang đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn vấn nạn trên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo Triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới được tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của đại diện các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bộ máy quản lý thực phẩm hiện nay chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, trường hợp còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng, thu hái, vận chuyển, bảo quản, chế biến còn tồn tại nhiều nguy cơ, chưa đảm bảo tốt các tiêu chuẩn theo quy định.

Hiện nay, thực phẩm đang được 3 Bộ gồm Nông nghiệp, Công thương, Y tế quản lý. Tuy nhiên các quy định của pháp luật trong việc quản lý thực phẩm còn tồn tại nhiều bất cập. Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận: “Quản lý quảng cáo và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ. Thực phẩm chức năng đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh và bán với giá rất cao”.

Thứ trưởng cho biết, các quảng cáo trên mạng xã hội thì lời nói hoặc chữ viết về hiệu quả của thực phẩm chức năng rất to nhưng dòng chữ hoặc lời nói “đây không phải là thuốc” thì rất nhỏ. Thực phẩm chức năng đang dựa cả vào những người nổi tiếng từ nghệ sĩ đến y bác sĩ để quảng cáo thổi phồng công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ thông tin Truyền thông cho biết, quảng cáo liên quan đến thực phẩm và y tế trên không gian mạng đang hết sức phức tạp. Nhiều mặt hàng chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc, đang tràn lan trên mạng xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế): “Một bộ phận không nhỏ những tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nhiều tổ chức cá nhân đang bất chấp để thực hiện các quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới rất khó quản lý”.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh. Sau khi rà quét trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã đề nghị facebook và youtube sử dụng thuật toán để xử lý hơn 2.000 mẫu quảng cáo “nhà tôi 3 đời làm thần y” và chặn tự động đối với hàng loạt các sản phẩm quảng cáo có từ khóa quảng cáo vi phạm. Thời gian tới, cơ quan liên ngành sẽ tập trung xử lý đối với các chủ thể vi phạm về quảng cáo.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tổng hợp các ý kiến từ các địa phương và bộ ngành liên quan, trên cơ sở đó sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn Vệ sinh thực phẩm. Việc sửa đổi sẽ tập trung xây dựng chặt chẽ các quy định, quy phạm nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, ngăn chặn nguy cơ thực phẩm kém chất lượng gây ngộ độc, xử lý những quảng cáo sai phạm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG